Mỹ và châu Âu hậm hực với Saudi Arabia về vụ nhà báo mất tích

Chủ Nhật, 21/10/2018, 08:22

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham gia cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc gia tăng áp lực để Saudi Arabia đưa ra thêm lời giải thích về vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tíc sau khi phía Riyadh thay đổi câu chuyện và thông báo rằng nhà báo này đã thiệt mạng cách đây hơn 2 tuần sau khi đến lãnh sự quán nước này tại Istanbul.

Chân dung nhà báo Khashoggi, người đã mất tích sau khi đến lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Ảnh Reuters

Trước đó, Saudi Arabia ngày 20-10 cho biết Jamal Khashoggi đã chết trong một trận ẩu đả trong tòa nhà lãnh sự quán.

Đức đã gọi lời giải thích này là “không thỏa đáng” và đặt ra câu hỏi rằng các nước có nên bán vũ khí cho Saudi Arabia nữa không, trong khi Pháp và EU cũng thúc giục tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng để tìm hiểu điều gì đã xảy ra đối với Khashoggi sau khi ông này vào lãnh sự quán Saudi Arabia hôm 2-10.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã yêu cầu một cuộc điều tra toàn thể và Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong một tuyên bố chung với ngoại trưởng nước này, đã cho rằng lời giải thích của Saudi là chưa đầy đủ.

“Chúng tôi hy vọng một sự minh bạch từ phía Saudi Arabia về hoàn cảnh cái chết của Khashoggi… Thông tin hiện thời về vụ việc tại lãnh sự quán ở Istanbul là chưa đầy đủ,” tuyên bố chung của Thủ tướng và ngoại trưởng Đức cho biết.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ Khashoggi đã bị giết bên trong tòa nhà lãnh sự và cơ thể người này đã bị phân mảnh để phi tang.

Vụ mất tích của nhà báo này đã khiến Saudi Arabia hứng chịu sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế, gây ảnh hưởng đến các quan hệ chính trị và kinh doanh giữa các cường quốc phương Tây với Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ tại Vùng Vịnh và là nhà xuất khẩu dầu số một thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi được hỏi rằng ông có hài lòng với việc Saudi sa thải các quan chức liên quan đến vụ Khashoggi, đã trả lời: “Không, tôi sẽ không hài lòng cho đến khi chúng ta tìm ra câu trả lời. Nhưng đây là bước tiến đầu tiên, đó là một bước tiến tốt. Nhưng tôi vẫn muốn biết được câu trả lời.”

Phản ứng của Tổng thống Mỹ về vụ việc này trong thời gian gần đây thay đổi từ việc đe dọa về những hậu quả “cực kỳ thảm khốc” mà Saudi Arabia có thể gặp phải cũng như những biện pháp cấm vận về kinh tế, cho đến những bình luận mang tình hòa giải hơn, trong đó ông nhấn mạnh Saudi Arabia là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực trong việc đối trọng với Iran cũng như IS, đồng thời là một khách “sộp” trong các hợp đồng vũ khí với Mỹ.

Phía Riyadh đã không thể cung cấp bằng chứng nào để bảo vệ cho lời giải thích của mình, cũng như không đề cập gì đến chuyện gì đã xảy ra với thi thể của Khashoggi.

Tổng thống Mỹ cùng cho rằng có thể Thái tử Mohammed của Saudi chưa được biết về tình hình xung quanh cái chết của Khashoggi. Ông Trump cho biết sẽ nói chuyện với Thái tử Saudi.

Duy Tiến
.
.
.