Mỹ thất vọng vì Iran từ chối đàm phán hạt nhân
Ảnh minh họa AP. |
Nhà Trắng ngày 28/2 bày tỏ thất vọng về việc Iran từ chối lời mời tham dự các cuộc đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc châu Âu, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, Washington được cho là “sẵn sàng tái hợp tác về mặt ngoại giao để đạt được mục tiêu hai nước cùng quay trở lại trong việc tuân thủ các cam kết của thỏa thuận”.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết, Mỹ “sẽ tham khảo ý kiến của các đối tác P5 + 1 về con đường tốt nhất trong tương lai. Nhóm này bao gồm 6 nước ký kết khác của thỏa thuận là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Liên minh Châu Âu và Đức.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 28/2 tuyên bố rằng Iran không coi thời điểm này là “thích hợp” cho một cuộc họp không chính thức về thỏa thuận hạt nhân.
Ông nói thêm rằng Iran nhận thấy “chưa có sự thay đổi về lập trường và hành vi của Mỹ”, đồng thời nêu rõ chính quyền Biden đã tiếp tục “chính sách gây áp lực tối đa không hiệu quả dưới thời chính quyền Trump”.
Khi Nhà Trắng bày tỏ ý định khôi phục sự tham gia của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân, họ cũng yêu cầu Tehran quay trở lại các cam kết của mình theo thỏa thuận năm 2015.
Tuy nhiên, Tehran khẳng định rằng Washington phải thực hiện bước đầu tiên bằng cách loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Theo khuôn khổ thỏa thuận JCPOA đạt được vào năm 2015, Tehran sẽ thu hẹp chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy giảm trừ các biện pháp trừng phạt.
Ông Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018, với lý do Iran vi phạm thỏa thuận, điều mà Tehran đã phủ nhận. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, Iran đã dần bớt tuân thủ các cam kết của mình, khiến nước này hứng chịu những lời chỉ trích và cáo buộc đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân. Tehran luôn tuyên bố rằng chương trình hạt nhân của họ là hoàn toàn vì mục đích hòa bình.