Mỹ khẳng định vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Triều Tiên
- Mỹ áp đặt trừng phạt với Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar
- Triều Tiên gọi việc gia hạn trừng phạt của Mỹ là "hành động thù địch"
- Mỹ gia hạn trừng phạt Triều Tiên lúc ông Tập đối thoại với ông Kim
Tuy nhiên, Washington sẽ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng cho đến khi quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Bộ trưởng Mark Esper cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Mỹ và Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên, khẳng định quan điểm của Washington là duy trì các biện pháp cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đối với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng thực thi phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược, có thể kiểm chứng và hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo quan chức này, Mỹ sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao với Triều Tiên nhằm thúc đẩy các cam kết vốn đạt được trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore hồi năm 2018, qua đó đạt được những mục tiêu nói trên.
Trước đó, hôm 8-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hạ thấp tính chất nghiêm trọng của những vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, cho rằng những hành động này sẽ không làm thay đổi triển vọng đàm phán về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un bước qua gờ bê tông ngăn cách hai miền Triều Tiên tại Panmunjom. Ảnh: Reuters |
Ông nêu rõ: “Chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan tới Triều Tiên không thay đổi. Nỗ lực của chúng tôi là nhằm đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ quay lại bàn đàm phán trong những tuần tới và cũng nhấn mạnh rằng, những vụ phóng mới đây của Triều Tiên không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa đáng báo động như hồi năm 2017, 2018 và Bình Nhưỡng đã ngừng thử vũ khí hạt nhân từ tháng 9-2017.
Liên quan tới việc tại sao Tổng thống Donald Trump chưa ký kết thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên trước khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 kết thúc, giới chuyên gia nhận định rằng, sở dĩ người đứng đầu Nhà Trắng chưa làm việc này vì bất cứ thỏa thuận nào hiện tại cũng sẽ bị đối thủ của ông chỉ trích.
Chuyên gia Victor Cha, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết chiến dịch bầu cử là biến số lớn trong bất kỳ cuộc đối thoại phi hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia trên, không giống chính quyền các đời tổng thống trước, Tổng thống Donald Trump quyết định chính sách đối ngoại dựa trên tính toán về tác động của chính sách tới cử tri.
Ông nhận định: “Tổng thống Donald Trump mong muốn đạt được thỏa thuận để chứng tỏ nỗ lực của bản thân có kết quả lạc quan. Tuy nhiên, ông cũng muốn không ký kết vì bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc hay Triều Tiên hiện tại sẽ ngay lập tức bị các đối thủ thuộc đảng Dân chủ chỉ trích, cho dù đó là thỏa thuận tốt hay xấu”.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng ba lần gặp nhau để thảo luận về tiến trình loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lấy lệnh dỡ bỏ trừng phạt và các phương án nhượng bộ khác.
Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận sau khi hai bên vẫn còn khoảng cách giữa yêu cầu của Mỹ và Triều Tiên.
Đến tháng 6 năm nay, hai nhà lãnh đạo tiếp tục gặp mặt tại biên giới phân cách hai miền Triều Tiên và nhất trí nối lại đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có cuộc thảo luận nào được lên lịch trình.
Chuyên gia Victor nhận định: “Rất có thể ông ấy sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc về vấn đề thương mại, hay với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Ông Donald Trump chỉ cần thông báo các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn, tiếp tục gây sức ép lên các quốc gia và hy vọng động thái này được người ủng hộ ghi nhận là một bước thành công. Đối thủ của ông Donald Trump sẽ rất khó chỉ trích ông về một điều chưa có gì cụ thể”.
Chuyên gia kết luận vấn đề Triều Tiên có thể được chú ý nhiều hơn so với những lần bầu cử trước.
Ông nói: “Đây thực sự là chính sách đối ngoại duy nhất mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện suốt hai năm qua. Rất nhiều thỏa thuận bị phá vỡ, một vài thỏa thuận thương mại tự do, nhưng không hề có chính sách ngoại giao thực sự. Vì lý do đó, vấn đề Triều Tiên có thể đóng một vai trò to lớn trong chiến dịch tranh cử lần này…”.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình Triều Tiên, hôm 7-8, trang web của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông báo đã miễn trừ trừng phạt đối với một tổ chức phi chính phủ của Pháp chuyển hàng hóa đến Triều Tiên để phục vụ một dự án dinh dưỡng cho trẻ em và các hoạt động nhân đạo tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Theo thông báo, một ủy ban của LHQ có nhiệm vụ giám sát lệnh trừng phạt đã phê chuẩn miễn trừ trừng phạt đối với tổ chức Triangle Generation Humanitaire vào ngày 25-7 vừa qua và quyết định miễn trừ này có hiệu lực trong 6 tháng.
Với miễn trừ trên, tổ chức Triangle Generation Humanitaire được chuyển các hàng hóa như tủ lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời, máy tính xách tay và một số thiết bị văn phòng khác, một xe 5 chỗ ngồi chạy bằng diesel phục vụ các hoạt động định kỳ hằng tháng của tổ chức này.
Các dự án viện trợ nhân đạo của Triangle Generation Humanitaire tại Triều Tiên nhằm cải thiện chế độ dinh dưỡng của trẻ em cũng như chăm sóc người cao tuổi. Các hoạt động nhân đạo không bị cấm theo các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng những nguồn lực liên quan phải được LHQ phê duyệt miễn trừng phạt.
Trước đó, ủy ban trên cũng đã “bật đèn xanh” cho phép hai công ty của Italy là Agriconsulting Europe SA (AESA) và Agrotec SPA được hưởng quy chế miễn trừ trừng phạt nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo tại Triều Tiên.
Theo báo cáo Tình trạng An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới, do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 15-7 vừa qua, sản lượng lương thực của Triều Tiên năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, khiến khoảng 10 triệu người dân nước này (tương đương 40% dân số) cần viện trợ lương thực khẩn cấp.