Mỹ giới nghiêm nhiều khu vực, báo động quân đội vì biểu tình bạo loạn
- Bất ổn gia tăng sau vụ người đàn ông da màu bị ghì cổ đến chết tại Mỹ
- Bốn cảnh sát Mỹ bị sa thải sau khi khống chế khiến người đàn ông da màu tử vong
- Biểu tình lan đến Washington, Nhà Trắng bị phong toả
Reuters ngày 30/5 cho biết làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ sau vụ việc người đàn ông da đen George Floyd thiệt mạng khi bị cảnh sát bắt giữ đã kéo dài sang ngày thứ 5 liên tiếp. Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra nhiều thành phố, kéo theo các vụ bạo loạn, đốt phá.
Người biểu tình đốt phá một tòa nhà ở Minneapolis. Ảnh: AP |
Tại thành phố Minneapolis của bang Minneasota, nơi Floyd qua đời hôm 25/5 vì bị một cảnh sát ghì vào cổ, Thị trưởng Jacob Frey đêm 29/5 buộc phải ban hành lệnh giới nghiêm, yêu cầu toàn bộ dân thành phố Minneapolis không ra đường từ 20h tới 6h sáng hôm sau.
Thành phố St Paul lân cận cùng các thị trấn Bloomington, Brooklyn Park, Edina, Maple Grove, Richfield của bang Minneasota sau đó cũng ban bố lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu của chính quyền, hàng nghìn người vẫn đổ xuống đường. Ở nhiều khu vực, người biểu tình đã đốt phá xe cộ, buộc cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán.
Theo Reuters, Minnesota đã phải nhờ cậy đến lực lượng Vệ binh Quốc gia để đối phó với các cuộc bạo động từ ngày 28/5. Nhà chức trách đang tìm mọi cách để trấn an dư luận và kêu gọi người dân bình tĩnh.
Lực lượng an ninh Mỹ tại Minneapolis. Ảnh: Getty Images |
Trong khi đó, AP dẫn nguồn tin riêng cho biết Lầu Năm Góc mới đây đã đưa một số đơn vị cảnh sát quân sự vào trạng thái sẵn sàng ứng phó với tình hình ở Minneapolis.
Các đơn vị cảnh sát quân sự thường trực tại Fort Bragg, bang Bắc Carolina, và Fort Drum, bang New York, được lệnh chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng triển khai đến Minneapolis trong 4 giờ. Binh sĩ Mỹ tại một số căn cứ ở Colorado và Kansas được yêu cầu sẵn sàng triển khai trong 24 giờ.
Lệnh báo động được Lầu Năm Góc đưa ra hôm 29/5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper chuẩn bị các phương án đối phó khi biểu tình tại Minneapolis biến thành bạo loạn, dẫn tới đốt phá và cướp bóc ở nhiều nơi trong thành phố.
Người biểu tình vã sữa lên mặt sau khi trúng đạn hơi cay. Ảnh: Getty Images |
Cách đây hai hôm, ông Trump cho biết ông đã yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp tới làm rõ cái chết của Floyd. Nhà lãnh đạo Mỹ nói ông đau buồn về sự việc nhưng không cho phép những kẻ cực đoan lợi dụng tình thế để đốt phá, cướp bóc.
Tối 25/5, ông George Floyd, một người da màu 45 tuổi đã qua đời sau khi bị một cảnh sát Minneapolis bắt giữ do nghi ngờ thanh toán tại một cửa hàng tạp hóa bằng hóa đơn giả. Một video được đăng tải đầu tuần này cho thấy ông Floyd bị Derek Chauvin, một cảnh sát da trắng đè đầu gối vào cổ.
Derek Chauvin bị sa thải và truy tố tội vô tình gây chết người sau vụ việc, song người nhà của Floyd cho rằng như vậy là chưa đủ. Các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd đã lan ra nhiều thành phố như New York, Washington, Atlanta, Houston.