Mỹ cáo buộc Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ"
Ảnh minh họa. Reuters. |
Động thái này đã làm cho mối quan hệ Trung-Mỹ vốn đã căng thẳng lại trở nên xấu đi, đồng thời cũng đã “hiện thực hóa” tuyên bố trước đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ “gán mác” cho Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”, lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Động thái của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ của họ suy yếu vượt qua mức 7 NDT đổi 1 USD vào ngày 5-8, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua. Bắc Kinh sau đó tuyên bố ngừng mua các sản phẩm của Mỹ, “thêm dầu vào lửa” trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung.
Việc đồng Nhân dân tệ giảm mạnh đến 1,4% diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm choáng váng thị trường tài chính khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại chưa bị áp thuế kể từ ngày 1-9, đột ngột phá vỡ lệnh đình chiến thương mại ngắn ngủi của cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm chậm tăng trưởng toàn cầu.
Động thái này cũng kéo theo việc đồng USD giảm mạnh và đẩy giá vàng lên cao.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết một tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 5-8 cho thấy rõ ràng rằng nhà chức trách Trung Quốc có quyền kiểm soát rộng rãi đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
PBOC cho biết rằng họ sẽ “tiếp tục ... thực hiện các biện pháp cần thiết và có mục tiêu chống lại hành vi phản hồi tích cực có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối”. “Đây là một sự thừa nhận của PBOC rằng cơ quan này có nhiều kinh nghiệm trong thao túng tiền tệ và vẫn sẵn sàng làm điều đó”, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.
Bộ này cho biết thêm rằng hành động của Trung Quốc vi phạm cam kết trong kiềm chế sự mất giá cạnh tranh với tư cách là một thành viên của Nhóm G20. Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết đó và không nhằm vào tỷ giá hối đoái của Trung Quốc cho các mục đích cạnh tranh.
Luật pháp Mỹ đưa ra ba tiêu chí để xác định sự thao túng giữa các đối tác thương mại lớn: thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ và can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối.
Sau khi xác định một quốc gia là “nước thao túng tiền tệ”, Bộ Tài chính có nhiệm vụ yêu cầu tiến hành các cuộc đàm phán đặc biệt nhằm “sửa chữa” một đồng tiền bị định giá thấp, với các hình phạt như loại trừ khỏi các hợp đồng làm ăn với chính phủ Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ định Đài Loan và Hàn Quốc có hành vi thao túng tiền tệ vào năm 1988, năm mà Quốc hội Mỹ ban hành luật đánh giá tiền tệ. Trung Quốc là nước cuối cùng được xác định vào danh sách này vào năm 1994.