Chưa thấy lối ra cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung

Thứ Bảy, 03/08/2019, 07:39
Tiến trình đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trở nên trắc trở hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế bổ sung 10% với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. 


Thông báo được đưa ra sau khi các quan chức hai nước kết thúc 2 ngày đàm phán thương mại tại Thượng Hải, Trung Quốc nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan, song không đạt tiến triển. Hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau tại Mỹ vào tháng 9 tới.

Tổng thống Mỹ mất kiên nhẫn với quá trình đàm phán

Hôm 2-8, trả lời báo giới bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng chỉ trích quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng, nêu rõ rằng: “Việc áp thuế chắc chắn không phải cách thức mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng kinh tế và thương mại, đây không phải cách thức đúng đắn”. 

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ nhất định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc không muốn nổ ra một cuộc chiến thương mại nhưng cũng không hề run sợ nếu phải chiến đấu”. 

Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, việc Washington áp thuế bổ sung với Bắc Kinh cũng làm giảm triển vọng về một thỏa thuận giữa hai quốc gia. “Trung Quốc sẽ cần nỗ lực nhiều hơn để xoay xở trong cuộc thương chiến trường kỳ”, ông Hu Xijin, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu cho hay. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6-2019. Ảnh: Reuters.

Theo ông, mức thuế mới sẽ không khiến Mỹ tiến gần hơn một thỏa thuận nước này mong muốn mà chỉ đẩy nó đi xa hơn. Về phía Mỹ, từ Bangkok, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc bảo hộ nền công nghiệp trong nước và áp dụng “chiến thuật lợi dụng” hệ thống thương mại để tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Viện dẫn thông báo mới của Tổng thống Donald Trump, ông Mike Pompeo nhấn mạnh đã đến lúc phải ngăn chặn điều này.

Trước đó, trong cuộc họp đầy căng thẳng tại Nhà Trắng ngày 1-8, Tổng thống Donald Trump đã khiển trách phái đoàn Mỹ không thu được kết quả gì trong các cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải vừa qua. 

Trong lúc các quan chức hàng đầu như Bộ trưởng Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer vẫn còn ngồi trong Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump đã đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, tuyên bố “sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1-9 tới”. 

Trả lời báo giới sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng giải thích: “Mỗi năm, Trung Quốc đã lấy của chúng ta hàng trăm tỷ USD. Hiện giờ, chúng ta phải thay đổi mọi chuyện. Nếu như họ không muốn giao thương với chúng ta, tôi thấy không vấn đề. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền”. 

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết Tổng thống Donald Trump ngày càng mất kiên nhẫn với quá trình đàm phán Mỹ - Trung bởi ngay sau khi ông Robert Lighthizer và Steven ông Mnuchin thông báo với ông rằng, Bắc Kinh không có bất kỳ tiến triển nào đáng kể, Tổng thống Mỹ đã đăng một loạt tweet, trong đó có nói về việc sẽ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. 

Theo các chuyên gia, đợt áp thuế mới này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở cả Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro. Ngoài ra, việc này cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất để bảo vệ kinh tế Mỹ khỏi các nguy cơ từ chính sách thương mại này.

Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung nhận định rằng, thông báo tăng thuế “sẽ đẩy Trung Quốc khỏi bàn đàm phán và làm giảm hy vọng về kết quả của các cuộc trao đổi giữa 2 bên tại Thượng Hải trong tuần này”.

Tác động của việc tăng thuế

Việc Tổng thống Trump tuyên bố leo thang cuộc chiến thương mại cho thấy vấn đề thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ khó có thể sớm được giải quyết. Ông Bill Adams nói: “Thuế quan đang ảnh hưởng tới một phần kinh tế Mỹ mà phần này lại hội nhập sâu sắc nhất với thương mại thế giới. Đợt tăng thuế mới nhất khiến rào cản thương mại trở thành hiện trạng mới”. 

Về các ảnh hưởng cụ thể hơn, ông Adams cho rằng, mức thuế quan cao sẽ làm tăng lạm phát và giảm thu nhập sau thuế. Thu nhập sau thuế chỉ tăng 2,5% trong quý II, mức tăng thấp nhất trong gần 2 năm. 

Chuyên gia này cũng dự báo cuộc chiến thuế quan sẽ tác động tới tiêu dùng. Lạm phát có thể tác động tới các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày dép, đồ chơi và sẽ tác động tới tín dụng của các công ty làm ăn trong những lĩnh vực này. Các lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng khi chiến tranh thương mại leo thang gồm dầu thô, thiết bị vận tải, chất bán dẫn…

Mặc dù giá trị của động thái mới nhất về mặt kỹ thuật chỉ là 30 tỷ USD, tương đương 0,14 điểm phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng lại gây tổn hại về mặt tâm lý không đúng thời điểm. 

Ông Bill Adams, nhà kinh tế cấp cao tại công ty PNC, nhận định: “Tác động trực tiếp của mức thuế này không đáng kể. Ảnh hưởng lớn hơn sẽ là niềm tin và chi phí đầu tư”. 

Trong thực tế, các khảo sát kinh doanh đều cho thấy doanh nghiệp Mỹ lo lắng về thương mại. Các chiến lược gia của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, mức thuế mới nhất này nếu được áp dụng sẽ làm chậm quá trình toàn cầu hóa, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm và có thể khiến Mỹ suy thoái trong ba quý tới. 

Chiến lược gia Michael Zezas thuộc Morgan Stanley viết trong một lưu ý gửi các nhà đầu tư: “Một lý do quan trọng: khoảng 68% các hàng hóa tiếp theo bị áp thuế cao sẽ là hàng tiêu dùng và ô tô/phụ tùng ôtô, có thể gây tác động ngay tới nền kinh tế”. 

Báo cáo GDP tuần trước của Mỹ cũng đã thể hiện điều này. Mặc dù kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý II nhưng các con số bên trong lại cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của cuộc chiến thuế quan. Xuất khẩu giảm 5,2% trong quý đo và đầu tư của các hãng, một thước đó quan trọng cho chi tiêu doanh nghiệp, giảm 0,6% xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016.

Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ bằng nhiều hình thức, như tăng thuế với hàng hóa Mỹ và gây áp lực cho các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. 

Bà Elena Duggar, Phó giám đốc quản lý tại Moodys, nói trong một tuyên bố: “Leo thang căng thẳng thương mại sẽ gây áp lực với kinh tế toàn cầu và chuỗi cũng trong một môi trường vốn đã giảm tăng trưởng ở Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc. Bất ổn sẽ làm giảm đầu tư kinh doanh và dòng chảy thương mại”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.