Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm, thép và nguy cơ chiến tranh thương mại

Thứ Bảy, 10/03/2018, 08:25
Thực hiện lời cam kết gây tranh cãi được đưa ra từ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã ký một sắc lệnh mới áp đặt mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài, đúng như các mức thuế mà ông đã đưa ra hôm 1-3.

Ngày 8-3 (giờ địa phương), bất chấp sự phản đối từ các thành viên trong lưỡng viện lẫn nhiều quốc gia trên thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hiện thực hóa tuyên bố của mình về việc đánh thuế mạnh hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, một động thái mà nguyên thủ nhiều nước cũng như các chuyên gia lo ngại sẽ dẫn đến những căng thẳng, thậm chí là nguy cơ chiến tranh thương mại.

Thực hiện lời cam kết gây tranh cãi được đưa ra từ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã ký một sắc lệnh mới tại phòng Roosevelt của Nhà Trắng, theo đó, áp đặt mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài, đúng như các mức thuế mà ông đã đưa ra hôm 1-3. Sắc lệnh này chỉmiễn trừ cho hai nước là Canada và Mexico. 

Theo Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ, ngoài hai nước kể trên, bất kỳ nước đối tác thương mại hoặc nước đồng minh nào muốn được miễn thuế thì đều phải chứng tỏ được hàng rào thuế quan này của Mỹ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước đó. Khả năng miễn trừ này có thể thúc đẩy các nước đồng minh của Mỹ như Australia và các nước châu Âu vận động hành lang để được miễn trừ như Canada và Mexico. 

Việc miễn trừ một số quốc gia được cho là một sự nhượng bộ của ông Trump so với kế hoạch ban đầu là đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước trên thế giới. 

Động thái này được coi là nhằm tránh nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại, cũng như tránh làm xấu đi quan hệ giữa Mỹ với Canada và Mexico, hai nước láng giềng, đồng minh khu vực, và cũng đang đàm phán với Mỹ về điều chỉnh Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế mới với nhôm và thép ngày 8-3 bên cạnh những công nhân của hai ngành công nghiệp này.                                                                          Ảnh: New York Times.

Sắc lệnh vốn được các quan chức Nhà Trắng cho là vấn đề thiết yếu với an ninh nội địa và kinh tế này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Tổng thống Mỹ cho rằng việc đánh thuế là hành động cần thiết để bảo vệ 2 ngành công nghiệp nhôm và thép được xem là “xương sống của đất nước”. 

Phát biểu với những công nhân ngành nhôm và thép của Mỹ, những người được cho là sẽ hưởng lợi từ sắc lệnh này, ông Trump nhấn mạnh: “Những hành động mà chúng ta đang làm hôm nay không phải là vấn đề về lựa chọn hay không mà là sự cần thiết đối với an ninh quốc gia. Một ngành công nghiệp nhôm và thép mạnh có ý nghĩa quan trọng thiết yếu với an ninh quốc gia của chúng ta. Nếu chúng ta không có thép, chúng ta sẽ không giữ được đất nước này”. 

“Chúng ta sẽ vừa công bằng, linh hoạt, vừa bảo vệ người lao động Mỹ giống như lời tôi đã nói trong chiến dịch”, ông Trump tuyên bố.

Cũng như nhiều quyết sách khác của ông chủ Nhà Trắng trong suốt hơn 1 năm tại vị, sắc lệnh lần này của ông Trump cũng gặp không ít sự phản đối từ nhiều phía. 

Nhiều nghị sĩ trong đảng Cộng hòa của ông Trump cũng bày tỏ bất đồng trước quyết định này của tổng thống. Thượng nghị sỹ Jeff Flake của bang Arizona nói “cái gọi là thuế quan linh hoạt này là sự kết hợp giữa hai liều thuốc độc chết người đối với tăng trưởng kinh tế: chủ nghĩa bảo hộ và sự bấp bênh”. 

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Orrin Hatch từ bang Utah, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho rằng: “Nói một cách đơn giản, đây là sự tăng thuế đối với các nhà sản xuất, công nhân và người tiêu dùng Mỹ”. 

Ngày 6-3 vừa qua, cố vấn kinh tế tài chính cấp cao của Nhà Trắng Gary Cohn đã xin từ chức vì không thể thuyết phục được Tổng thống dừng kế hoạch thuế nhôm, thép.

Mức thuế quan mới được cho là sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt công ty sản xuất cũng như lợi ích của nhiều nước xuất khẩu nhôm và thép lớn trên thế giới như Trung Quốc và cả những đồng minh phương Tây thân cận của Mỹ. 

Theo NBC, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9-3 đã cảnh báo rằng việc Mỹ áp đặt thuế quan với nhôm và thép nhập khẩu có thể “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự thương mại quốc tế bình thường”, cảnh báo sẽ có biện pháp “đáp trả thích hợp” để bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của mình trước lệnh áp thuế của Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ rút lại các biện pháp này trong khi còn có thể. 

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố thể hiện sự tức giận trước hành động của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chỉ trích quyết định của Mỹ là một hành động để bảo hộ ngành công nghiệp nội địa, khẳng định “sẽ không ngồi yên” và “đáp trả mạnh mẽ, tương xứng” để bảo vệ các lợi ích của khối khi ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp bất công. 

Hiệp hội thép của Đức khẳng định ông Trump đã vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và kêu gọi châu Âu hành động. 

Bộ trưởng công nghiệp Nhật Hiroshige Seko thì tuyên bố nước này “sẽ yêu cầu làm rõ ngọn ngành” và đặt câu hỏi về việc bằng cách nào “xuất khẩu sắt, thép của Nhật, một đồng minh của Mỹ” lại có thể phá hoại an ninh quốc gia của Mỹ. Brazil, một nhà xuất khẩu thép lớn tới Mỹ, đe dọa sẽ có các biện pháp trả đũa song phương hoặc đa phương.

Trên thực tế, những biện pháp bảo hộ mới này của chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ là bước khởi đầu, kết quả và ý nghĩa kinh tế của nó vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trong quá khứ từng có những biện pháp tương tự gây ra phản ứng ngược chiều.     
Duy Tiến
.
.
.