Lý giải nội các "Gương mặt thân quen" của Thủ tướng Abe

Thứ Năm, 03/08/2017, 19:37
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng các thành viên trong Đảng liên minh cầm quyền LDP ngày 3-8 đã chính thức công bố cải tổ nội các và cải tổ ban lãnh đạo Đảng LDP.

Sự trở lại của chính khách kỳ cựu

Theo tuyên bố của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, nhiều vị trí Bộ trưởng đã được bổ nhiệm lại, trong đó đáng chú ý là các vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ.

Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 2012 sẽ quay trở lại đảm nhận vị trí này thay nguyên Bộ trưởng Tomomi Inada - người vừa từ chức hồi tuần trước.

Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho Taro Kono. Ảnh: Reuters

Một trường hợp đặc biệt trong đợt cải tổ lần này là việc đề bạt vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho Taro Kono - người từng là Quốc vụ khanh phụ trách cải cách hành chính và cũng là con trai của cựu Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản. Theo Reuters, ông Kono được biết đến bởi thái độ sẵn sàng chỉ trích Đảng cầm quyền.

Đợt cải tổ này cũng chứng kiến sự trở lại của nhiều chính khách kỳ cựu, có thâm niên trong chính trường Nhật Bản khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Yoshimasa Hayashi, sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ.

Hạ nghị sĩ Yoko Kamikawa - đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tư pháp và bà Seiko Noda - được bổ nhiệm làm Bộ trưởng các vấn đề đối nội, sẽ là hai vị trí nữ trong nội các lần này.

Các vị trí chủ chốt như Chánh văn phòng nội các, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Công nghiệp, Kinh tế và Thương mại đều được giữ nguyên.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso có mặt tại Văn phòng Thủ tướng hôm 3-8. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Thủ tướng Abe cũng công bố các thay đổi trong ban lãnh đạo LDP với hầu hết các vị trí chủ chốt trong đảng đều được giữ tại nhiệm.

Nước đi mới trên bàn cờ nội các "Gương mặt thân quen"?

Việc cải tổ nội các là một trong những nỗ lực mới nhất của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm xây dựng lại niềm tin công chúng, sau bê bối cho rằng ông Abe đã dùng tầm ảnh hưởng cá nhân để giúp đỡ công việc kinh doanh của một người bạn.

Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản cùng các trợ lý phủ nhận những cáo buộc này, song tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe vẫn đang giảm xuống mức thấp chưa từng có (30%) kể từ khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 vào tháng 12-2012.

Thủ tướng Shinzo Abe đặt nhiều kỳ vọng trong lần cải tổ nội các này. Ảnh: Reuters

Sự trở lại của nhiều gương mặt chính khách kỳ cựu, có thâm niên trong chính trường Nhật Bản trong lần cải tổ này được cho rằng nhằm hiện thực hóa ý định của Thủ tướng Abe trong việc tái gây dựng chính quyền ổn định để tiếp tục triển khai chiến lược Abenomics của ông.

"Chúng ta cần phải hoàn thiện các chính sách kinh tế theo chiến lược Abenomics để công chúng cảm nhận được những lợi ích từ sự hồi sinh kinh tế của Nhật Bản",  Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu chính sách của đảng LDP  Kishida khẳng định sứ mệnh và tầm quan trọng của nội các mới.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xuất hiện hôm 3-8. Ảnh: Reuters

Việc lựa chọn Quốc vụ khanh phụ trách cải cách hành chính Taro Kono trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao được giới chuyên gia nhận định là một trong những ví dụ điển hình chứng minh ý định đó. Ông Kono với các mối quan hệ quốc tế sâu rộng và kinh nghiệm làm trợ lý cho một số chính trị gia có thể sẽ thu hút được sự chú ý của các chính khách cả trong nước lẫn nước ngoài.

Song, trong bối cảnh tỉ lệ tín nhiệm giảm như hiện nay, động thái bổ nhiệm những gương mặt thân quen được các quan sát viên đánh giá là nhằm hạn chế tranh cãi và trấn an dư luận về năng lực người cầm quyền.

Việc đưa cựu Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Yoshimasa Hayashi trở lại chính trường với vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ phần nào ủng hộ nhận định này. Ông Hayashi, từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng của chính phủ trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng, được đánh giá cao về khả năng trả lời tốt các chất vấn tại Quốc hội. 

Dự kiến, trên cương vị mới, ông Hayashi sẽ phải giải quyết các vấn đề liên quan đến Kake Gakuen, vụ việc mà Thủ tướng Abe bị cáo buộc đã thiên vị cho bạn thân thành lập trường Đại học thú y.

Nội các mới của ông Abe sau khi chính thức ra mắt sẽ phải đối mặt với việc thực tế hóa mong muốn gây dựng lại lòng tin từ người dân, trong đó bao gồm các thách thức lớn như vấn đề tên lửa Triều Tiên cũng như vấn đề chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

An Nhiên
.
.
.