Lý do Chủ tịch Tập thăm Italia đầu tiên trong chuyến công du châu Âu

Thứ Sáu, 22/03/2019, 14:05
Reuters ngày 22-3 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du châu Âu bao gồm ba nước Italia, Công quốc Monaco và Pháp. Các chuyên gia nhận định, không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến công du này, điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Tập là Italia. 

Trong chuyến thăm Italia, ông Tập Cận Bình sẽ có các cuộc gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Italia Sergio Mattarella và Thủ tướng Giuseppe Conte cũng như lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện của Quốc hội nước này. 

Giới phân tích chính trị thế giới cho biết, Trung Quốc hiện nay đang tích cực thắt chặt và thúc đẩy quan hệ với Italia, đặc biệt là sau khi Rome mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm bảy nước Công nghiệp Phát triển (G7) tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. 

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tới Italia đầu tiên trong chuyến công du châu Âu. Ảnh: CNN. 

Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố rằng, Bắc Kinh hoan nghênh Italia tích cực tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trung Quốc coi việc thắt chặt quan hệ với Italia như một bước tiến vào kỷ nguyên mới. 

"Trung Quốc và Italia có không gian rộng rãi để hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, y tế, để cùng phát triển và mang lại lợi ích cho nhau", Người Phát ngôn Cao Phong nêu rõ. 

Về phía Italia, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết, hợp tác giữa hai bên hứa hẹn một triển vọng to lớn. “Chính phủ Italia đã quyết định tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường", vì với vị trí địa lý của mình, thì Italy là điểm cuối của sáng kiến này. Tôi cũng đã nhận lời mời tham gia Diễn đàn nêu trên vào tháng 4 ở Trung Quốc".

Được biết, sáng kiến "Vành đai và Con đường" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Đây là khuôn khổ thương mại và cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm liên kết Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á thông qua một loạt các cảng, đường sắt và đường bộ được Trung Quốc tài trợ dọc theo các hành lang giao thương đường bộ và đường biển.

Linh Đan
.
.
.