Loại bỏ khả năng xung đột quân sự tại vùng Vịnh

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:43
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi các nước Arab khẳng định biện pháp quân sự sẽ không được tính đến để giải quyết xung đột với Qatar.

Reuters đưa tin Đại sứ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef Al Otaiba ngày 13-6 tuyên bố, mặc dù sẽ gia tăng áp lực lên Qatar nhưng các nước Arab không tính đến việc sử dụng giải pháp quân sự để chống lại Doha.

Ông Otaiba cũng đảm bảo rằng, căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao hiện nay nhưng đề xuất Washington chuyển căn cứ này tới một nơi khác.

Một chiếc B-52 của Mỹ tại căn cứ quân sự của nước này ở Qatar. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố khá bất ngờ, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 13-6 đã nhẹ nhàng với quốc gia láng giềng, cho rằng, nước này không áp đặt "phong tỏa" đối với Qatar bằng việc đóng cửa biên giới và cấm các hãng hàng không Qatar vào không phận Saudi Arabia.

Ông Adel al-Jubeir cũng khẳng định, Saudi Arabia sẵn sàng hỗ trợ thực phẩm và y tế tới Qatar nếu cần thiết: “Qatar có thể tự do đi lại. Các cảng và sân bay được mở.

Tuy nhiên, người đứng đầu giới ngoại giao Saudi Arabia cũng cho hay lệnh cấm đặc biệt với hãng hàng không Qatar Airways sẽ tiếp tục được duy trì và việc này hoàn toàn thuộc quyền quyết định của Saudi Arabia.

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ hai và các hậu quả của nó đã bước đầu tác động đến nền kinh tế Qatar và cả thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới có thể sẽ bị thâm hụt hàng tỉ USD vì cuộc khủng hoảng lần này.

Trong những ngày qua, 2 bên luôn dành cho nhau những tuyên bố mạnh mẽ khiến nhiều người thậm chí lo ngại một cuộc xung đột quân sự sẽ xảy ra giữa các "ông trùm" dầu mỏ, đồng thời là đồng minh của Mỹ trong khu vực. Qatar từng đe doạ sẽ bắn mọi tàu chiến xâm phạm lãnh hải.

Hiện các quốc gia lớn như Nga, Mỹ và các đồng minh thân cận của Qatar đã lên tiếng kêu gọi các nước Arab nới lỏng phong tỏa Qatar, đàm phán để xóa bỏ khác biệt. 

Thiện Nhân
.
.
.