Lo ngại "thất thủ" vì COVID-19, Italia gia hạn phong tỏa toàn quốc
- Số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha vượt Italia, cao thứ 2 toàn cầu
- Thị trấn nằm giữa tâm dịch Italia nhưng có số ca nhiễm thấp "bí ẩn"
- Thực hư nước thần giúp làng quê Italia tránh xa COVID-19
Lệnh phong tỏa với những quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt, đóng cửa hầu hết các cửa hàng và doanh nghiệp trên toàn Italia được áp đặt từ hôm 9/3 và dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 13/4 tới.
"Đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết, tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm chính trị về quyết định này", Thủ tướng Conte nhấn mạnh trong cuộc họp báo, theo đó tuyên bố lệnh phong tỏa được gia hạn đến ngày 3/5.
Mặc dù vậy, ông Conte cũng khẳng định, một số trường hợp ngoại lệ sẽ không phải chịu lệnh phong tỏa, với việc các hiệu sách, đồ văn phòng phẩm và cửa hàng quần áo trẻ em sẽ được mở lại vào tuần tới.
Lệnh phong tỏa toàn quốc tác động lớn đến đời sống người dân Italia. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, các nhà máy, xí nghiệp sẽ tiếp tục phải đóng cửa. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế của Italia, vốn đang bị lung lay sau 2 tháng dịch bệnh hoành hành, và sau cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Conte cho biết, chính phủ Italia sẽ theo dõi sát sao diễn tiến của dịch COVID-19 và đưa ra "hành động phù hợp" nếu điều kiện cho phép, gián tiếp gợi nên hi vọng trong lòng người dân Italia, sau hơn 1 tháng trời bị "cấm cung".
Tuyên bố gia hạn phong tỏa của ông Conte được đưa ra trong bối cảnh Italia đã ghi nhận gần 19.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây từ cuối tháng 1 vừa qua, cùng gần 150.000 ca lây nhiễm. Số ca tử vong tại Italia cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Mặc dù đã có dấu hiệu giảm cả về số ca tử vong lẫn số ca lây nhiễm mới, nhưng tốc độ giảm của dịch COVID-19 vẫn chậm hơn mong đợi, dự báo rằng Italia vẫn chưa đi qua đỉnh điểm dịch bệnh.
Cũng trong cuộc họp báo, Thủ tướng Conte đã đề cập đến gói viện trợ khẩn cấp mà các Bộ trưởng Tài chính EU nhất trí trước đó. Ông cho rằng thỏa thuận này là "không đủ", nhấn mạnh việc cần thiết của một trái phiếu corona để hỗ trợ các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 như Italia.
"Tại Hội đồng châu Âu, tôi sẽ không ký bất cứ nội dung gì cho đến khi tôi đạt được một loạt biện pháp phù hợp để giải quyết tách thực mà chúng ta đối mặt", ông Conte nói, bày tỏ mong muốn về một khoản nợ chung hay trái phiếu corona (eurobonds).