Giải pháp nào giúp nước Anh “Brexit một cách có trật tự”?

Thứ Tư, 16/01/2019, 18:48

Rạng sáng 16-1 (giờ Việt Nam), thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May cùng các cộng sự dốc lòng soạn thảo và đàm phán trong suốt hai năm qua đã được bỏ phiếu tại Hạ viện. Tuy nhiên, không có bất ngờ nào xảy ra bởi các nghị sĩ thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận nêu trên, đẩy nước Anh vào thế “hỗn loạn” trước thời điểm chính thức “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29-3 tới.

Truyền thông Anh gọi kết quả của cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Anh rời EU (Brexit) lần này là “đòn giáng chí mạng” vào Thủ tướng Theresa May, với số phiếu chênh lệnh ngoài sức tưởng tượng là 432 phiếu chống và 202 phiếu ủng hộ. Đây cũng đồng thời được coi là thất bại tồi tệ nhất của Chính phủ Anh trong lịch sử 95 năm tại Quốc hội. 

Phát biểu trên truyền hình, bà May thừa nhận thất bại, nhưng tuyên bố sẽ dành thời gian để tranh luận về Brexit, bởi điều bà quan tâm là hiện thực hóa nguyện vọng của người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Reuters dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, bà May dường như muốn thương lượng với các đảng để xác định một con đường rạch ròi cho Brexit trong tình thế phức tạp như hiện nay.

Thủ tướng Anh thất bại cay đắng trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 16-1. Ảnh: Simon Dawson/Pool.  

Ba kịch bản cho nước Anh

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho biết, ông đã chính thức đệ trình một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của bà May trong ngày 16-1 và yêu cầu này được ủng hộ bởi các nhà lãnh đạo phe đối lập khác. Theo đó, nếu bà May không thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu này, nước Anh có thể sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn để thành lập Chính phủ mới. 

Trường hợp Công đảng giành lại được quyền lực trong cuộc bầu cử này, họ dự tính sẽ thương lượng một thỏa thuận mới với EU. Nhưng đây là vấn đề sẽ mất thêm nhiều thời gian, nên ông Jeremy Corbyn đã đề xuất việc hoãn ngày Anh rời EU. 

Theo Financial Times, về lý thuyết thì đảng Bảo thủ và liên minh đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) đang chiếm đa số tại Hạ viện Anh, do đó khả năng bà May bị hạ bệ là không cao. Tuy nhiên, trước những diễn biến gần đây khi chính các nghị sĩ trong nội bộ đảng Bảo thủ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May cách đây một tháng và có tới 118 nghị sĩ đảng này bỏ phiếu chống thỏa thuận Brexit, thì rõ rằng bà May đang mất điểm rất nhiều. 

Nước Anh trở nên "hỗn loạn" sau cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Ảnh: Bloomberg. 

Kịch bản tiếp theo, chính là nước Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Đây là yêu cầu của phe ủng hộ hợp nhất châu Âu, với hy vọng cuộc bỏ phiếu lại đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hồi 23-6-2016. Trên thực tế, không có luật nào ngăn cản nước Anh tiến hành lại một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu cuộc trưng cầu tiếp theo có dân chủ hay không? 

Hơn nữa, một cuộc bỏ phiếu lại sẽ chỉ phán ánh được sự chia rẽ trong xã hội Anh, bởi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các cử tri Anh vẫn bất đồng sâu sắc về Brexit. Một lần nữa, với kịch bản này, nước Anh rõ ràng không thể nào tuân thủ thời hạn rời EU vào ngày 29-3. Trước đó, Thủ tướng Theresa May từng cảnh báo, nếu “xứ sở sương mù” buộc phải tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân, thì chính trị nước Anh sẽ bị “tổn hại không thể sửa chữa”.

Kịch bản về trưng cầu dân ý lần 2 sẽ chỉ phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh. Ảnh: standard.co.uk

Cuối cùng là kịch bản không mong muốn nhất, nước Anh sẽ rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Đây là lựa chọn mặc định nếu Hạ viện Anh lại tiếp tục bác bỏ một “phương án B” của thỏa thuận Brexit và không có một giải pháp nào khác trước ngày 29-3. Thỏa thuận của bà May là nhằm bảo lưu các quy tắc thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình trong giai đoạn chuyển giao cho tới cuối năm 2020.

Không chỉ là “cơn ác mộng” đối với nền chính trị Anh, kịch bản này còn khiến giới doanh nghiệp vô cùng quan ngại bởi nguy cơ đồng bảng Anh sụt giảm mạnh, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, các dịch vụ hậu cần bị ngắt quãng, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng vọt. 

Cụ thể, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu, mặc nhiên từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung của khối.

Các lãnh đạo châu Âu nói gì?

Ông Donald Tusk thất vọng về kết quả bỏ phiếu tại Anh. Ảnh: Getty.  

Hầu hết các lãnh đạo châu Âu đều bày tỏ nuối tiếc và lo lắng sau kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh ngày 16-1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Áo Sebastien Kurz, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận, nhưng thúc giục chính phủ Anh phải nhanh chóng ngăn chặn quá trình rời khỏi EU của Anh mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. 

Các lãnh đạo cho biết sẵn sàng giúp Anh tránh một Brexit cứng liên quan đến đường biên giới với Ireland, cũng như đảm bảo mối quan hệ trong tương lai. 

Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tỏ ra thất vọng trong một trạng thái đăng tải trên mạng xã hội Twitter. "Nếu một thỏa thuận là không khả thi, nhưng chẳng ai mong muốn việc không có thỏa thuận, vậy cuối cùng ai sẽ đủ can đảm để đưa ra giải pháp tích cực duy nhất là gì?", ông Donald Tusk viết. 

Trước đó, Người Phát ngôn của ông cũng cho hay, Chính phủ Anh nên nêu rõ ý định về những bước đi tiếp theo càng sớm càng tốt và rằng 27 nước EU sẽ tiếp tục đoàn kết và có trách nhiệm tìm cách giảm thiệt hại do Brexit gây ra. “Thỏa thuận này đang và sẽ là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo cho Anh rời khỏi EU một cách có trật tự”, người này nhấn mạnh.

Linh Đan
.
.
.