Iran cảnh báo Mỹ có thể hủy hoại JCPOA

Thứ Sáu, 09/03/2018, 08:07
Đại diện thường trực Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Reza Najafi hôm 7-3 đã chỉ trích Mỹ không thực hiện những cam kết của Washington theo thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 hồi năm 2015, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Theo quan chức trên, cách tiếp cận “không thể chấp nhận được” và gây thất vọng của Mỹ trong việc thực thi JCPOA có thể hủy hoại thỏa thuận lịch sử này.


Phát biểu tại hội nghị Ban Giám đốc IAEA diễn ra cùng ngày tại Vienna (Áo), ông Reza Najafi nêu rõ: “Chính phủ Mỹ, bằng cách hạn chế Iran hưởng lợi từ thỏa thuận, vi phạm ngữ nghĩa cũng như tinh thần của JCPOA, đã theo đuổi cách tiếp cận không mang tính xây dựng nhằm phá hoại việc thực hiện thành công thỏa thuận”.

Đại diện thường trực Iran tại IAEA chỉ ra rằng, JCPOA không phải là một thỏa thuận đơn phương. Việc Mỹ không thực hiện đúng những cam kết của họ theo JCPOA không chỉ hủy hoại thỏa thuận quốc tế này mà còn khiến sự tín nhiệm của Mỹ bị “nghi ngờ” một cách nghiêm trọng tại bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào khác.

Ông Najafi nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ nên thực hiện đầy đủ và vô điều kiện tất cả các cam kết của mình theo JCPOA”, đồng thời nhắc lại rằng, việc tất cả các bên thực hiện đầy đủ thỏa thuận sẽ đảm bảo sự bền vững của thỏa thuận.

Bên cạnh đó, quan chức trên cũng khẳng định rằng, Tehran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân này chừng nào các bên tham gia ký kết cũng làm như vậy. Theo ông, báo cáo mới nhất của IAEA đã cho thấy Iran thực hiện đúng, đầy đủ JCPOA.

Đại diện thường trực Iran tại IAEW Reza Najafi.

Giới chuyên gia nhận định, gia tăng cẳng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ đẩy JCPOA vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, mặc dù nó có thể “sống sót” qua năm 2018. Thỏa thuận trên được tạo ra nhằm ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, và theo phần lớn các báo cáo – bao gồm cả báo cáo của IAEA – thì Tehran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Chừng nào Iran vẫn còn tuân thủ, thì họ sẽ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt cũng như có khả năng nhận được đầu tư nước ngoài và xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng Nhà Trắng tin rằng, thỏa thuận này không đủ mạnh để kiềm chế những tham vọng hạt nhân của Iran, cũng như không đủ toàn diện để ngăn chặn Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, bảo trợ khủng bố hay hỗ trợ các nhóm chiến binh, như Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tín hiệu cho thấy ý định của ông đối với Iran về vấn đề này khi ông bác bỏ xác nhận JCPOA vào tháng 10-2017.

Bên cạnh đó, việc các cơ quan khác nhau trong Chính phủ Mỹ có những ý tưởng khác nhau về cách thức tiếp cận JCPOA sẽ chỉ làm tăng thêm những tín hiệu lẫn lộn đến từ Washington. Về phần mình, Quốc hội sẽ thực hiện các bước để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong khi chú ý để không vi phạm thỏa thuận.

Mặt khác, người đứng đầu Nhà Trắng đã cẩn thận bố trí xung quanh mình những người ủng hộ chính sách hiếu chiến sẵn sàng vi phạm thỏa thuận hơn, bất kể các hoạt động của Iran có liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này hay không, để cố buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán.

Lập trường theo đường lối cứng rắn của họ đối với Iran sẽ khiến mối quan hệ của Washington với Tehran xấu đi nhanh hơn. Và bằng việc xóa bỏ những đảm bảo an ninh ngấm ngầm trong thỏa thuận, Mỹ sẽ tự đặt mình vào một quỹ đạo xung đột với Iran trên khắp khu vực Trung Đông.

Chưa hết, việc Nhà Trắng sẵn sàng đe dọa thỏa thuận này sẽ làm tái phát căn bệnh hoang tưởng trước đây của Tehran khi họ ngăn ngừa điều mà họ tin là một nỗ lực phối hợp của Mỹ, Saudi Arabia và Israel nhằm gây mất ổn định nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran sẽ không phải là nước đầu tiên từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, vì lo sợ nền kinh tế của họ rời vào tình trạng điêu tàn một lần nữa trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt được tiếp tục.

Nhưng những mối đe dọa đối với JCPOA và các biện pháp kinh tế khắc nghiệt hơn bắt nguồn từ Mỹ sẽ kích động những người theo đường lối cứng rắn ở Iran, vốn không coi trọng đối thoại với phương Tây bằng những người có quan điểm ôn hòa như Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Các phe phái này sẽ có thể đảm bảo thâm vốn tài trợ cho quốc phòng và sự ủng hộ của người dân.

Tuy nhiên, người Iran trong toàn bộ lĩnh vực chính trị sẽ hẳng hái duy trì nguyên vẹn thỏa thuận hạt nhân để nước này có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và thu hút đầu tư từ châu Âu, Nga và Trung Quốc. Iran sẽ yêu cầu các đồng minh của họ ở châu Âu và Nga giúp bảo vệ khuôn khổ của thỏa thuận.

Xét cho cùng, các biện pháp trừng phạt mà JCPOA dỡ bỏ nhằm vào các công ty của châu Âu, chứ không phải Iran. Do đó, hầu hết các thành viên EU đều bảo vệ thỏa thuận này như một phương tiện cho phép tiếp tục các giao dịch kinh tế của họ với Iran trong khi kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran. Do đó, lục địa châu Âu sẽ kêu gọi Mỹ duy trì thỏa thuận.

Thực tế đã chứng minh, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định châu Âu cần đoàn kết trong vấn đề này, trong khi người đồng cấp Anh Boris Johnson nhấn mạnh đây là thỏa thuận quan trọng giúp hóa giải nguy cơ hạt nhân Iran.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khuyên Mỹ không nên rút khỏi JPCOA như đã từng làm hồi tháng 6-2017 với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini khẳng định JPCOA không phải là một thỏa thuận song phương, vì vậy không phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất và không mất hiệu lực chỉ vì một nước đơn lẻ”.

Nga sẽ tham gia cùng châu Âu trong việc ủng hộ JCPOA, vì mối quan hệ gần gũi được rèn giũa qua 2 năm hợp tác giữa nước này và Iran trong cuộc nội chiến Syria đã bắt đầu mang lại thành quả cho Tehran ở bên ngoài chiến trường.

Khổng Hà
.
.
.