Iran lên tiếng trước quan điểm của Mỹ về JCPOA

Chủ Nhật, 14/01/2018, 07:54
Theo Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif, không thể đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran (có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), được ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7-2015. Thay vì thành kiến được lặp đi lặp lại, Chính phủ Mỹ phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này, giống như Iran.

Trong tuyên bố ngày 13-1, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định nước này sẽ chỉ thực thi các nghĩa vụ quy định trong JCPOA, nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Tehran. Ngoại trưởng Iran cho rằng, các tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng là những “mưu toan liều lĩnh nhằm phá hoại một thỏa thuận đa phương vững chắc”. 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Trước đó, châu Âu tái khẳng định quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran đến cùng, nhấn mạnh JCPOA đóng một vai trò then chốt để hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đánh giá JCPOA “đang vận hành tốt”, phát huy hiệu quả với mục tiêu chính là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ chương trình hạt nhân của Iran. Bà Mogherini nhấn mạnh sự thống nhất của cộng đồng quốc tế là điều kiện cốt yếu để bảo toàn thỏa thuận hạt nhân với Tehran. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố rằng, EU muốn bảo vệ thỏa thuận vì nó phù hợp với lợi ích của EU là không phát triển và không muốn chứng kiến vũ khí hạt nhân được phát triển tại Iran. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá không gì có thể thay thế cho JCPOA. Còn Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, thỏa thuận Iran là một thỏa thuận quan trọng giúp thế giới an toàn hơn. Theo ông, điều quan trọng là phải tiếp tục làm việc với các đối tác châu Âu để bảo vệ thỏa thuận Iran, bảo vệ sự ổn định và an ninh mà thỏa thuận mang lại cho người dân Iran và toàn thế giới. Pháp và Nga cũng đã khẳng định quyết tâm ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt JCPOA, nhấn mạnh việc các bên liên quan tôn trọng thỏa thuận là vô cùng quan trọng.

Tổng thống Donald Trump hôm 12-1 (giờ địa phương) nhấn mạnh sẽ không tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế quan trọng đối với Iran thêm 120 ngày nữa, và tuyên bố “đây là lần cuối cùng” ông làm như vậy. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định quan điểm phải thay thế JCPOA này bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn. Thỏa thuận mới theo hình dung của ông Donald Trump sẽ chỉ có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Đức và sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn đối với Iran nếu tiếp tục nới lỏng các lệnh trừng phạt. 

Cụ thể, thỏa thuận đó sẽ không bắt đầu hết hiệu lực sau 10 năm giống như thỏa thuận hiện nay mà sẽ áp đặt vĩnh viễn các hạn chế đối với không chỉ các nhà máy hạt nhân của Iran mà cả chương trình tên lửa của nước này. Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại chính sách của ông là ngăn chặn mọi ngả đường để Iran vĩnh viễn không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay Washington sẽ vẫn cam kết thực hiện JCPOA thêm 120 ngày nữa. Trong khoảng thời gian này, Tổng thống Donald Trump muốn Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Tehran để sửa chữa những điều mà ông cho là “sai lầm thảm họa” trong thỏa thuận hiện nay.

Những điều kiện mà Mỹ đưa ra khiến giới quan sát nhận định liệu Tổng thống Donald Trump đang muốn thực sự đàm phán lại thỏa thuận vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, hay chỉ là cách để giúp thỏa thuận tồn tại dưới chính sách bảo hộ luật pháp cứng rắn của Mỹ. Luật của Mỹ có thể được sửa đổi để giảm bớt mối lo ngại của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, việc buộc Iran phải đồng ý cho phép thanh sát quốc tế hay không có thời hạn cụ thể giới hạn các hoạt động hạt nhân của Iran là điều không thể. 

Vì vậy, các chuyên gia nhận định, chỉ với một quyết định không nới lỏng trừng phạt, Mỹ có thể chấm dứt hiệu quả thỏa thuận này. Tuy nhiên, với “tối hậu thư” này, Tổng thống Mỹ đang tránh nguy cơ bị cô lập quốc tế mà vẫn buộc Iran phải tự tay xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân. Chuyên gia phân tích quốc tế nhận định: “Lí do tại sao chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục cam kết với thỏa thuận hay một phần của thỏa thuận này đó là bởi vì phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Israel và Saudi Arabia đều ủng hộ thỏa thuận này”.

JCPOA được ký kết ngày 14-7-2015, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16-1-2016. Đây là một thành công rất lớn sau 12 năm đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) và Đức.
Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân, đặt các cơ sở hạt nhân dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); chuyển một phần urani được làm giàu ra nước ngoài; chuyển đổi nhà máy sản xuất nhiên liệu Fordo thành trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân không có khả năng làm giàu urani, đổi lại phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này.
Giới phân tích cho rằng, JCPOA chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo thế giới, mặc dù bất đồng trong nhiều vấn đề, nhưng vẫn có thể cùng nhau đàm phán, giải quyết tốt một vấn đề chung. JCPOA đã giúp làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, gia tăng hiệu lực của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trên phạm vi toàn cầu và mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây.
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.