Hơn 10 triệu người nhiễm COVID-19 toàn cầu

Chủ Nhật, 28/06/2020, 08:09
Đúng 6 tháng từ khi bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 10 triệu người, trong đó hơn nửa triệu người đã chết.

Thống kê trên Worldometer tính đến 8h sáng nay (28/6) cho thấy dịch COVID-19 đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm lên đến 10.075.111, trong đó 500.626 ca đã tử vong. Dịch được cho là ngày càng diễn biến xấu trên thế giới, với số người nhiễm mới hàng ngày có lúc chạm ngưỡng 200.000 ca.

Số người nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt mốc 10 triệu người. Ảnh: Getty Images

Trong khi một số quốc gia bước đầu kiểm soát được dịch, thì tình hình lại đang gây ra những hệ quả khốc liệt tại châu Mỹ, Nam Á, Trung Đông và châu Phi.

Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, nơi báo cáo gần 2,6 triệu người mắc và 128.000 người chết. Số ca nhiễm mới tại Mỹ đang tăng, ở mức hơn 40.000 ca nhiễm mỗi ngày trong tuần qua, gấp rưỡi số liệu trung bình của tháng 5.

Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở những mức độ khác nhau nhằm cứu vãn nền kinh tế, vốn chịu tác động nặng nề bỏi dịch bệnh, song một số khu vực phải đảo ngược quyết định để ngăn dịch.

Hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra tại Mỹ liên quan đến phong trào đòi quyền lợi của người da màu cũng như các sự kiện đông người được tổ chức khắp nơi được xem là nguyên nhân khiến một loạt ổ dịch mới bùng phát. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ mới đây cảnh báo số ca nhiễm trên thực tế ở nước này có thể đã lên đến 20 triệu người.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày có lúc gần 60.000. Tổng số người bệnh tại Brazil hiện là hơn 1,3 triệu, trong đó hơn 57.000 người đã chết.

Các chuyên gia y tế đều cảnh báo tình hình thực tế ở Brazil tệ hơn nhiều báo cáo chính thức, với số người nhiễm có thể đã vượt mốc ba triệu từ lâu. Brazil hiện chưa có chiến lược chống dịch thống nhất do Tổng thống nước này Jair Bolsonaro coi COVID-19 chỉ như một loại "cúm nhỏ".

Nga, vùng dịch thứ ba thế giới, thì đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực khi số người nhiễm mới COVID-19 theo ngày đã giảm xuống chỉ còn gần 7.000 ca. Tổng số người bệnh ở Nga là 627.000 ca, trong đó 8.969 người thiệt mạng -  tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây.

Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, song tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu t ới.

Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 529.331 ca nhiễm và 16.103 ca tử vong. Dù số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng, Ấn Độ đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6.

Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý COVID-19 trở nên khó khăn hơn. Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ giường bệnh tương đối thấp.

Ở châu Âu, các "điểm nóng" dịch bệnh như Italia, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Đức tự tin khẳng định đã vượt đỉnh dịch. Các nước châu Âu đều đã hoặc sắp nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tổng số người nhiễm COVID-19 ở châu lục, không tính Nga, vào khoảng 1,8 triệu người, trong đó hơn 180.000 người tử vong.

Trái ngược châu Âu, tại Nam Mỹ, các nước đối mặt làn sóng dịch bệnh phức tạp.  Peru, vùng dịch lớn thứ hai tại Nam Mỹ, tâm dịch mới của thế giới, báo cáo đến 275.549 ca nhiễm và 9.135 ca tử vong.

Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh, và dự định kéo dài đến hết tháng 6, song các biện pháp phong toả bị nhiều người dân phớt lờ.

Chile đang là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới với 267.776 ca nhiễm và 5.347 ca tử vong, tăng lần lượt 4.406 và 279 so với hôm trước. Chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.

Một số quốc gia khác ở khu vực Mexico, Argentina cũng đang chứng kiến ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục, đặc biệt ở các khu ổ chuột.  Toàn Nam Mỹ hiện báo cáo hơn 2,1 triệu ca nhiễm.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.456 ca nhiễm, nâng tổng số lên 220.180, trong đó 10.364 người chết,  tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ hai với số ca nhiễm gàn 200.000, trong đó 5.000 người thiệt  mạng.

Arab Saudi đứng thứ ba Trung Đông khi ghi nhận thêm 3.927 ca nhiễm và 37 ca tử vong trong ngày gần nhất, nâng tổng số lên lần lượt 178.504 và 1.511. Arab Saudi được cảnh báo là sẽ đối mặt với tình hình ngày càng nghiêm trọng trong vài tuần nữa.

Ở Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất với 52.812 ca nhiễm, 2.720 ca tử vong. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng gấp đôi sau một tháng và hiện đứng thứ 29 toàn cầu.

Singapore là vùng dịch lớn thứ hai khu vực với 43.246 ca nhiễm nhưng chỉ báo cáo 26 ca tử vong. Philippines đứng thứ ba, ghi nhận gần 35.000 ca bệnh, trong đó 1.236 người đã chết.

Thiện Nhân
.
.
.