Gửi thêm quân đến Ba Lan, Mỹ “chiều lòng” đồng minh quan trọng của NATO
- Ông Trump lệnh điều thêm 1.000 quân tới Ba Lan bất chấp Nga phản đối
- Ba Lan mời Mỹ lập căn cứ, Iraq muốn Mỹ sớm rút quân
- Mỹ bán hệ thống tên lửa siêu khủng cho Ba Lan
Tuyên bố về việc triển khai thêm quân của Tổng thống Trump được đưa ra tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ngay sau khi hai vị lãnh đạo cùng ký một tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
“Ba Lan sẽ là nơi đặt căn cứ và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự của khoảng 1.000 binh sĩ tiếp theo của Mỹ”, Tổng thống Trump tuyên bố.
Ông Trump cho biết binh sĩ Mỹ được điều đến đây từ Đức, một thành viên khác của NATO. Theo ông chủ Nhà Trắng, chi phí cho sự hiện diện của quân Mỹ ở Ba Lan sẽ do Chính phủ Ba Lan chi trả. Trước đó, Tổng thống Trump cho biết ông và người đồng cấp Ba Lan đã thảo luận về con số 2.000 binh sỹ Mỹ triển khai thêm tới Ba Lan.
Ngoài ra, tại họp báo, Tổng thống Trump cũng thông báo Ba Lan đã đặt mua hơn 30 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Trước đó, truyền thông phương Tây nói rằng Ba Lan có thể muốn “thế chân” Thổ Nhĩ Kỳ nếu Mỹ dừng bán máy bay F-35 cho Ankara vì tranh cãi liên quan đến việc Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh Reuters. |
Cũng trong cuộc họp báo, khi được hỏi số quân Mỹ ông muốn được điều đến Ba Lan, Tổng thống Duda cho biết “điều đó phụ thuộc vào Mỹ”. Trong khi đó, Tổng thống Trump nói ông Duda “muốn nhìn thấy sự hiện diện của 250.000 binh sĩ Mỹ”.
Theo Reuters, ông Duda đang cân nhắc việc đặt tên cho căn cứ quân sự mới của Mỹ đặt tại Ba Lan là “Pháo đài Trump”, cho rằng lực lượng sắp được triển khai này là một điều cần thiết trước sự ảnh hưởng từ Moscow cũng như là một biện pháp để củng cố mối quan hệ với phương Tây.
Từ thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, Ba Lan đã công khai theo đuổi mục tiêu tìm kiếm sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ trên lãnh thổ của mình. Hồi tháng 9 năm ngoái, hy vọng với Ba Lan đã nhen nhóm sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ cân nhắc về khả năng hiện diện quân sự vĩnh viễn ở quốc gia Đông Âu này.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc gặp với ông Duda ngày 20-9-2018, ông Trump cho biết Ba Lan sẵn sàng đóng góp lớn để Mỹ hiện diện quân sự ở Ba Lan, khẳng định nếu Ba Lan sẵn sàng thì hai nước chắc chắn sẽ tiến hành thảo luận. Thời điểm đó, Ba Lan được cho là đưa ra con số 2 tỷ USD để đóng góp xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ.
Theo Washington Times, Ba Lan đã cải tạo hệ thống đường cao tốc, các cảng biển và sân bay để có thể phục vụ hoạt động trung chuyển quân đội, cho thấy nước này đã sẵn sàng thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đủ điều kiện cho quân đội Mỹ đồn trú.
Có thể coi đây là cách để Ba Lan thuyết phục Mỹ triển khai quân đội bởi những hoạt động này sẽ cho phép quân đội Mỹ triển khai theo hướng chiến lược và mở rộng hơn mà ít tốn kém, đồng thời không phải bỏ nhiều công sức.
Mỹ vẫn có sự hiện diện quân sự tại Ba Lan, một phần của thỏa thuận đạt được năm 2016 với NATO, nhằm đáp trả lại việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, một nước láng giềng phía Đông của Ba Lan. Hiện có khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Ba Lan thuộc lực lượng luân chuyển của NATO ở nước này.
Theo giới chuyên gia, một căn cứ quân sự chung Mỹ - Ba Lan được cho là có lợi cho cả hai bên, là một cách để mở rộng và củng cố một cách tự nhiên mối quan hệ quân sự giữa hai nước.
Ba Lan trước nay vẫn được cho là một đồng minh có giá trị với Mỹ và NATO xét về mặt chi tiêu quốc phòng khi dành 2% GDP hằng năm cho quốc phòng và hơn 20% chi tiêu quốc phòng cho việc mua sắm khí tài, tiêu chuẩn của NATO mà không nhiều nước thành viên đáp ứng được.
Thêm nữa, quân đội Ba Lan được xem là lực lượng hoạt động hiệu quả nhất tại rìa phía đông NATO. Vì vậy, nếu Mỹ củng cố sự hiện diện quân sự tại Ba Lan, quốc gia này càng có thể đóng góp nhiều hơn cho các mục tiêu và chiến dịch mà NATO triển khai trong khu vực. Tuy vậy, đối với Nga, việc mở rộng NATO về phía biên giới với Nga gây cản trở ổn định ở châu Âu.
Giới phân tích đánh giá rõ ràng ý tưởng triển khai căn cứ quân sự thường trực của Mỹ ở Ba Lan là hành động khiêu khích chống Nga. Động thái này sẽ phá vỡ Thỏa thuận Nga – NATO về quan hệ hợp tác và an ninh năm 1997, trong đó NATO cam kết “sẽ thực hiện phòng thủ tập thể và các nhiệm vụ khác bằng cách bảo đảm khả năng tương tác cần thiết, hội nhập và khả năng tăng cường, chứ không phải bằng cách bố trí lực lượng chiến đấu thường trực đáng kể”.
Hơn nữa, nhiều đồng minh NATO coi sự xuất hiện của căn cứ quân sự Mỹ tại Ba Lan hay bất kỳ nơi nào tại Trung Âu hoặc Đông Âu, đều là hành động khiêu khích không cần thiết đối với Moscow.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng quyết định điều quân của Tổng thống Trump lần này là một mặt thể hiện nỗ lực phục vụ lợi ích của Ba Lan, một đồng minh chủ chốt của NATO, trong khi vẫn không làm quá mất lòng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà Tổng thống Trump cho biết là có mối quan hệ tốt đẹp, trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga sắp tới sẽ gặp nhau tại Osaka, Nhật Bản nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G20.
“Tôi hy vọng rằng Ba Lan sẽ có mối quan hệ tuyệt vời với Nga. Tôi hy vọng rằng chúng tôi cũng sẽ có mối quan hệ tuyệt vời với Nga”, ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo. Nga chưa có phản ứng gì trước quyết định của ông Trump.