EU chuẩn bị ứng phó nếu Mỹ trừng phạt Nga
- Mỹ, Nga vẫn là chúa tể chiến tranh của thế giới
- Mỹ - Nga lại căng thẳng vì trừng phạt kinh tế
- Căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Nga
Ông Juncker nhấn mạnh, EU cần phải sẵn sàng “hành động trong vài ngày” nếu như Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà “không tính đến những quan ngại” của liên minh này.
Theo dự kiến, vào ngày 25-7 (giờ địa phương), Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt chống lại Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên, được công bố hôm 22-7 và đã được lưỡng viện đồng ý, đồng thời hạn chế khả năng dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch EC nhấn mạnh, EU đang cân nhắc đáp trả trước khả năng Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Nga. |
Theo bản ghi chép trên, các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm việc yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU.
Bên cạnh đó, EU có thể sử dụng luật pháp châu Âu để khiến các lệnh trừng phạt của Mỹ “không được chấp nhận hoặc thực thi” trong EU, cũng như chuẩn bị một số biện pháp đáp trả phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 22-7, người phát ngôn EC cũng bày tỏ quan ngại các biện pháp mà Quốc hội Mỹ đã thảo luận “có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, không chỉ đối với sự thống nhất giữa hai bờ Đại Tây Dương và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), mà còn đối với lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế của EU”.
EC cho rằng việc Washington thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Moskva, cũng như Iran, xuất phát từ những tính toán trong nước của Mỹ, gây ảnh hưởng đến nỗ lực của EU trong việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, cụ thể liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), hiện do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom thực hiện.
Đồng thời, EC cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ cùng các nhà chức trách hãy hợp tác với các đối tác, trong đó có EU nhằm đảm bảo sự phối hợp phù hợp, tránh những hậu quả không lường trước của những biện pháp đã được thảo luận.
Phía châu Âu cho rằng, việc mở rộng lệnh trừng phạt lần này của Mỹ liên quan tới các vấn đề của riêng Washington, chứ không phải vấn đề quốc tế như lệnh trừng phạt trước đó Mỹ và các nước EU phối hợp với nhau để gây sức ép với Nga vì cáo buộc Moskva can thiệp, gây khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ EU sốt ruột trước các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là do nhiều công ty năng lượng châu Âu có thể sẽ bị tác động tiêu cực. Châu Âu lo ngại rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào đường ống dẫn khí đốt, đặc biệt là dự án Nord Stream 2, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trong bối cảnh châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp.
Chính vì thế, trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích dự định của Quốc hội Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt mới chống Nga vì các quốc gia châu Âu cũng bị ảnh hưởng từ chính sách này.
Theo giới chức Đức, dự luật rõ ràng đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải “ưu tiên” xuất khẩu năng lượng Mỹ, “tạo việc làm cho Mỹ”, “tăng cường chính sách ngoại giao”, như vậy, đã đặt lợi ích kinh tế của Mỹ lên trên lợi ích kinh tế của các nước đồng minh trong EU, nhất là các nguồn năng lượng phục vụ lục địa già.
Phản ứng tức giận của giới chức Đức là dễ hiểu khi Berlin rất ủng hộ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 xuyên biển Baltic đưa khí đốt Nga tới nước này. Đường ống này có hiệu suất gấp đôi đường ống Nord Stream, khoảng 55 tỷ m³/năm, với đường đi bỏ qua Ukraine, giúp ổn định nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Bên cạnh đó, sự phản đối kịch liệt đó đã phần nào cho thấy sự trục trặc trong quan hệ Đức - Mỹ vốn hình thành kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Trong 3 năm qua, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga.