Mỹ - Nga lại căng thẳng vì trừng phạt kinh tế

Thứ Năm, 24/12/2015, 08:10
Một ngày sau khi các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) nhất trí kéo dài thời gian trừng phạt Nga thêm 6 tháng vì liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ cũng tuyên bố tiếp tục áp đặt cấm vận đối với 34 cá nhân và tổ chức ở Nga.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 22-12, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh rằng, những biện pháp trừng phạt kinh tế này sẽ hỗ trợ cam kết của Mỹ trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuyên bố cũng khẳng định Washington sẽ không rút lại những lệnh trừng phạt chừng nào Moscow chưa thực thi đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Hãng Reuters cho biết, danh sách đen lần này của Bộ Tài chính Mỹ gồm 34 cá nhân và tổ chức của Nga, trong đó có 3 ngân hàng và một tập đoàn quốc phòng. Những cá nhân và tổ chức bị cáo buộc từng hỗ trợ các đối tượng nằm trong diện trừng phạt của Mỹ gồm 6 phần tử ly khai người Ukraine và 2 quan chức chính quyền Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

12 trong tổng số 14 tổ chức nằm trong danh sách này có trụ sở tại bán đảo Crimea, vốn được sáp nhập vào Nga hồi năm ngoái. Tài khoản, tài sản của các tổ chức và cá nhân có tên trong danh sách đen sẽ bị đóng băng và bị cấm hoạt động kinh doanh với các công ty hay cá nhân Mỹ. Cũng theo tin từ hãng Reuters thì lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau khi EU ra thông báo chính thức về việc gia hạn thêm thời gian 6 tháng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Nghĩa là lệnh trừng phạt của EU áp đặt lên Nga sẽ kéo dài đến tháng 7 năm 2016, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên. Lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga chủ yếu là “đánh” vào lĩnh vực ngân hàng, dầu mỏ và quốc phòng. Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay đối với các ngân hàng quốc doanh lớn cũng như một số công ty dầu khí và quốc phòng của Nga.

Đương nhiên là Nga không bao giờ chấp nhận những kiểu hình phạt như thế. Điện Kremlin hôm 23-12 cảnh báo rằng, Moscow sẽ phân tích cụ thể tác hại của các biện pháp trừng phạt và có thể đưa ra các biện pháp đáp trả Mỹ. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Họ đang theo đuổi một chính sách mâu thuẫn và chọn lập trường thù địch với Nga. Điều này tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương”.

Người dân xếp hàng tại một chi nhánh Ngân hàng Sberbank của Nga ở thành phố Simferopol của Crimea.  Ảnh: Reuters

Đồng thời, ông Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh rằng, những nỗ lực trừng phạt của Washington nhằm thao túng Moscow không những vô tác dụng và thậm chí còn phản tác dụng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga lập tức ra một thông cáo báo chí nói những quyết định của EU và Mỹ là “trò chơi trừng phạt thiển cận” và rằng, cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay không liên quan đến Nga. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thì cho biết, nước này muốn cải thiện quan hệ với EU và Mỹ nhưng không thể làm thế khi EU và Washington vẫn có các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga.

Trong lần trả lời phỏng vấn hãng Interfax hôm 22-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng, Nga sẵn sàng tham gia đàm phán, tìm kiếm thỏa hiệp và nỗ lực giải quyết các tranh cãi tồn tại trong quan hệ với EU, Ukraine và cả Mỹ. Ông Putin còn cho biết, bỏ qua những bất đồng về cấm vận, Moscow sẽ thường xuyên đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Nhà Trắng để đạt được những mục tiêu chung.

Nhận định về việc này, giới quan sát cho rằng, hành động gia tăng lệnh cấm vận đối với Nga là “con dao hai lưỡi” bởi lẽ đến nay, cả EU và Mỹ đều vẫn đang tìm mọi cách để lôi kéo thêm sự ủng hộ của Moscow trong vấn đề Ukraine cũng như một số vấn đề quốc tế khác như cuộc chiến ở Syria, chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và thỏa thuận mới ký kết giữa nhóm P5+1 với Iran.

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức thì cho rằng hành động nói trên của EU và Mỹ có thể sẽ kích động chính sách hiếu chiến của chính quyền Kiev. Đề cao những nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine của Nga, bài báo còn phân tích rằng, nếu EU và Mỹ cứ tiếp tục ủng hộ Kiev kiểu này thì quá trình đàm phán hòa bình ở Ukraine khó có thể kéo dài hay đi đến kết quả tốt.

Huyền Chi
.
.
.