Căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Nga

Thứ Hai, 28/07/2014, 08:45
Theo Nước Nga ngày nay (RT), trong bài trả lời phỏng vấn ngày 27/7, Thượng Nghị sỹ Nga Valery Shnyakin nêu rõ, những lời cáo buộc của Mỹ rằng Nga có liên quan đến vụ máy bay số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines (MAS) bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine là không thể bị bỏ qua và Nga “cần phải nghĩ về các biện pháp trả đũa, có thể là áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)”. Ông Shnyakin còn nhấn mạnh, đó (những lời cáo buộc của Mỹ - PV) sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây.

Dựa vào “thông tin trên mạng xã hội” để cáo buộc

Trước đó, ngày 26/7, Washington đã lên tiếng cho rằng, Moskva có thể là thủ phạm trong việc bắn hạ máy bay MH17 tại Ukraine và nhấn mạnh quan chức Nga đã cung cấp vũ khí hạng nặng và hỗ trợ huấn luyện lực lượng ly khai tại miền Đông. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, các “thông tin trên mạng xã hội” đã giúp Washington biết rằng, các loại vũ khí hạng nặng, bao gồm cả hệ thống tên lửa SA-11, đã được chuyển từ Nga sang Ukraine rồi được “giao tận tay” cho các thủ lĩnh lực lượng ly khai và Nga đã tham gia vào việc huấn luyện lực lượng này sử dụng SA-11.

Thêm vào đó, Nhà Trắng cũng biết rằng máy bay MH17 bị bắn rơi tại khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát và quân đội Ukraine không hề sử dụng các vũ khí phòng không tại đó. Ông J. Earnest nhấn mạnh: “Đó là lý do chúng tôi tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Nga là thủ phạm trong thảm kịch này. Họ phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố hay chính là những kẻ ly khai”.

Bên cạnh đó, mặc dù vẫn lớn tiếng nói rằng Mỹ có bằng chứng Nga sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công quân đội Ukraine nhưng vị Thượng nghị sĩ này lại tuyên bố không thể cung cấp những thông tin tình báo mới nhất về việc này. Và không chỉ ông Thượng nghị sĩ này là người duy nhất cáo buộc Nga có liên quan tới thảm kịch hàng không MH17.

Trước đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng có những cáo buộc tương tự. Theo thông tin mới nhất do RT đăng tải ngày 27/7, các quan chức cao cấp của Mỹ đã đề xuất cung cấp cho chính quyền Ukraine vị trí chính xác các quả tên lửa mà lực lượng ly khai hiện có nhưng chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Barack Obama có đồng ý do bản đề xuất vẫn chưa “được đặt lên bàn của ông Obama”, và vì Nhà Trắng đang tập trung vào việc giành được nhiều ủng hộ của châu Âu trong việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo giới phân tích, việc ông Obama chấp thuận đề xuất này có thể sẽ đẩy Mỹ dính líu nhiều hơn tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Về phía Nga, chính quyền Moskva đã lên tiếng chỉ trích những tuyên bố gần đây của Nhà Trắng. Nga cho rằng, Mỹ không có bằng chứng gì về sự liên quan của Nga đến vụ máy bay MH17 ngoài những thông tin rất đáng ngờ trên các mạng xã hội mà theo Moskva, các “phỏng đoán chống lại Nga” thì đầy rẫy trên Internet. Liên quan tới việc EU áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Nga, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/7 ra tuyên bố cho rằng, các lệnh trừng phạt bổ sung là “bằng chứng rõ ràng cho thấy các nước thành viên EU đã và đang thực hiện cắt giảm toàn diện quan hệ hợp tác với Nga trong các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực”.

Một mảnh vỡ của chiếc máy bay mang số hiệu MH17. Ảnh: AP.

Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt là "không thể chấp nhận", đồng thời cảnh báo các tổ chức khủng bố quốc tế có thể sẽ lợi dụng những tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt này.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, RT dẫn nguồn tin từ bài viết của cựu phóng viên hãng AP Robert Parry được đăng trên trang consortiumnews.com cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ trên thực tế sở hữu hình ảnh chi tiết về hệ thống tên lửa đã bắn hạ máy bay của MAS và dường như hệ thống này nằm dưới sự điều khiển của các lực lượng Chính phủ Ukraine trong trang phục quân đội nước này.  Ông Parry cũng đưa ra nhận định rằng: “Còn có một lời giải thích rõ ràng khác mà các cơ quan tình báo Mỹ không muốn chấp nhận: quả tên lửa (bắn hạ MH17 - PV) đã được phóng lên bởi ai đó làm việc cho quân đội Ukraine”.

Hay nói cách khác, có rất nhiều khả năng chúng ta đang được chứng kiến một “phiên bản” mới khi Chính phủ Mỹ đang đưa ra những “chỉ đạo thông minh” nhằm đạt được một “kết quả chính trị theo mong muốn”, giống như họ từng làm trong cuộc chiến tranh Iraq.

Tình hình tại Ukraine

Liên quan tới vụ thảm kịch hàng không MH17, Ria Novosti dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, ngày 26/7, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Tony Abbott, trong đó 2 nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt cuộc chiến tại khu vực miền Đông Ukraine để không làm gián đoạn quá trình điều tra của các chuyên gia quốc tế tại hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Trong khi đó, đã dấy lên nhiều quan ngại về tình hình an ninh tại Ukraine khi, cũng trong ngày 26/7, 2 quan chức chính quyền nước này ở miền Tây đã bị tấn công. Theo đó, ông Oleh Babayev - Thị trưởng thành phố Kremenchuk ở miền Trung đã thiệt mạng sau khi bị một đối tượng lạ mặt nã đạn liên tiếp bằng súng giảm thanh. Thông qua mạng xã hội Facebook, ông Anton Gerashchenko, Trợ lý của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã xác nhận thông tin này.

Ông Gerashchenko cho biết thêm rằng, ông Babayev là người nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương. Trong làn sóng biểu tình Maidan, ông đã ủng hộ các nhà hoạt động xã hội - những người bị cảnh sát và công tố viên muốn bỏ tù. Trong khi đó, nhà riêng của ông Andriy Sadoviy - Thị trưởng thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine thì bị tấn công bằng súng bắn lựu. Rất may ông Sadoviy không có ở nhà vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Trước đó, theo Đài Tiếng nói nước Nga ngày 26/7, đại diện của nước “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk đã tố cáo quân đội Ukraine đêm 25/7 dùng bom phốt pho bắn phá khu vực Mandrykino của thành phố Donetsk. Một trong số các máy bay không người lái của quân đội Ukraine đã bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Donetsk. Trong khi đó, hãng Interfax dẫn lời đại diện Ban chỉ huy Lugansk cho biết quân đội Ukraine vẫn tiếp tục bắn phá Lugansk. Các vụ bắn phá này đã khiến 15 thường dân thiệt mạng, gần 60 người khác bị thương...

Cảnh sát quốc tế sẽ tới hiện trường nơi MH17 rơi

Theo Reuters, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 27/7 cho biết đã đạt được một thỏa thuận với Thủ tướng nước “Cộng hòa Nhân dân” Aleksander Borodai nhằm cho phép cảnh sát quốc tế tiếp cận khu vực chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 thuộc Hãng Hàng không Malaysia Airlines (MAS) rơi tại phía Đông Ukraine và để các nhà điều tra xác định nguyên nhân thảm họa này.

Theo ông Najib Razak, thỏa thuận này sẽ giúp "bảo vệ các nhà điều tra quốc tế" tới địa điểm máy bay rơi để tìm kiếm các thi thể nạn nhân và xác định nguyên nhân thảm họa.  Cùng ngày, theo hãng tin CBS News, các dữ liệu chưa được công bố, trích xuất từ hộp đen của chiếc máy bay số hiệu MH17, cho kết quả ứng với một vụ nổ tên lửa. Điều này tương đồng với giả thuyết mà các chuyên gia vũ khí đưa ra trước đó, nhận định từ việc đánh giá vết xước và lỗ thủng trên vỏ máy bay còn sót lại, cho thấy những lỗ thủng đó dường như được hình thành từ một vụ nổ tên lửa.

Trước đó, ngày 26/7, Bộ Tư pháp Hà Lan cho biết, các chuyên gia pháp y đã nhận dạng được nạn nhân đầu tiên của thảm kịch hàng không MH17. Kết quả giám định pháp y xác định đó là một công dân Hà Lan. Hà Lan hiện đang phối hợp với các nước liên quan, đặc biệt là các nước có công dân bị thiệt mạng trong vụ MH17 tiếp tục khẩn trương điều tra nguyên nhân và xác định danh tính các nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc này.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.