Dữ liệu hộp đen hé mở điều gì về chiếc máy bay Indonesia rơi xuống biển?

Thứ Ba, 06/11/2018, 15:18
Sau rất nhiều đồn đoán, các nhà điều tra Indonesia xác nhận thiết bị đo chỉ số tốc độ bay của chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bị rơi hồi tuần trước đã "gặp vấn đề" trong những chuyến bay cuối cùng. 


Lỗi kỹ thuật từng lặp lại trước chuyến bay tử thần

Theo ông Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia (KNKT), các kết luận đều được đưa ra sau khi phân tích dữ liệu trích xuất từ hộp đen của chiếc máy bay mang số hiệu JT610. 

Đây chính là chiếc hộp đen chứa dữ liệu hành trình bay mà các thợ lặn đã trục vớt được hôm 2-11 vừa qua, 4 ngày sau khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra. Tính đến ngày 4-11, các chuyên gia đã tải thành công 69 giờ dữ liệu từ hộp đen.

Công tác tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số mang số hiệu JT610 vẫn đang tiếp tục được Indonesia triển khai. Ảnh: Xinhua

"Khi chúng tôi mở hộp đen, quả thật vấn đề kỹ thuật đã nằm ở tốc độ bay của chiếc máy bay", ông Soerjanto Tjahjono cho biết, đồng thời khẳng định chuyến bay trước đó cũng gặp vấn đề kỹ thuật tương tự. "Chúng tôi tìm thấy sự cố trong thiết bị đo chỉ số tốc độ trong bốn chuyến bay cuối cùng, bao gồm cả chuyến bay gặp nạn", CNN trích lời ông Tjahjono khẳng định. 

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Boeing và Mỹ thực hiện hành động nhằm ngăn chặn các vấn đề tương tự xảy ra trên loại máy bay này trên toàn thế giới, ông Soerjanto Tjahjono cho biết. "Chúng tôi đang thống kê cùng với Hội đồng An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) và Boeing nhằm kiểm tra chi tiết chỉ số tốc độ bay", ông Soerjanto Tjahjono nói.

Máy bay vẫn còn nguyên vẹn trước khi rơi xuống biển

Theo tuyên bố do người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia (KNKT) đưa ra, máy bay mang số JT610 vẫn còn nguyên vẹn trước khi rơi và chỉ vỡ tan khi đâm xuống mặt biển, CNN đưa tin. 

Kích thước các mảnh vỡ được tìm thấy cũng chứng minh rằng chiếc máy bay của hãng Lion Air không phát nổ trong không khí nhưng đã va đập rất mạnh với tốc độ cao khi rơi xuống nước.

Máy bay rơi đột ngột với tốc độ quá lớn khiến các bộ phận đều bị vỡ vụn. Ảnh: AP

Ông Soerjanto Tjahjono đồng thời so sánh vụ tai nạn này với vụ việc chuyến bay số hiệu QZ8501 của Air Asia đâm xuống biển Java tháng 12- 2014 khiến toàn bộ 162 người thiệt mạng. "Máy bay của Lion Air bị hư hại nghiêm trọng hơn của Air Asia. Chiếc Boeing 737 lao xuống biển với tốc độ cao, trong khi máy bay Air Asia bị chòng chành và lướt xuống biển", ông Soerjanto Tjahjono nói. 

"Trong trường hợp của Lion Air, động cơ vẫn chạy ở công suất cao khi va chạm", ông khẳng định. Trước đó, một số chuyên gia nhận định chiếc Boeing 737 MAX 8 đã lao xuống biển với vận tốc hơn 1.000 km/h. 

Sáng 29-10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu bay JT610 của hãng hàng không Indonesia Lion Air chở 189 người bất ngờ bị rơi xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta. Toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn được cho là đã thiệt mạng.

Nhiều loại thiết bị được sử dụng để tìm kiếm chiếc hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay xấu số. Ảnh: CNN

BBC dẫn nguồn tin thân cận khẳng định máy bay JT610 đã gặp trục trặc với hệ thống hiển thị tốc độ và tọa độ từ chuyến bay tối 28-10. Song phía Lion Air lại trả lời rằng những trục trặc này đã được khắc phục trước khi máy bay cất cánh. 

Hiện nguyên nhân gây ra vụ tai nạn hàng không kinh hoàng tại Indonesia vẫn chưa được làm rõ. Các chuyên gia về an toàn bay cho biết còn quá sớm để có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thương tâm này.

Mặc dù đã mở rộng quy mô và thời gian tìm kiếm, song các nhà chức trách vẫn chưa thể tìm thấy chiếc hộp đen thứ 2 chứa nội dung ghi âm buồng lái của máy bay. Vụ tai nạn xảy ra sáng 29-10 được coi là thảm họa hàng không tồi tệ nhất ở Indonesia trong hơn hai thập kỷ qua.

An Nhiên (T.H)
.
.
.