Đâu là mục tiêu của chiến dịch “Nhành Ôliu” ở Syria?

Thứ Hai, 05/02/2018, 08:18
Nói về chiến dịch quân sự mang tên “Nhành Ôliu”, được triển khai ở tỉnh Afrin của Syria từ hôm 19-1 (giờ địa phương) vừa qua, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin khẳng định, Ankara không hề có ý định chiếm đóng bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Syria.


Theo ông Kalin, khi chiến dịch này hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trao trả lại Afrin cho người dân nơi đây.

Theo lời giải thích của Người phát ngôn Ibrahim Kalin, chiến dịch “Nhành Ôliu” mang 3 mục tiêu chính, gồm: bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, giải phóng các vùng lãnh thổ Syria đang nằm dưới sự kiểm soát của các tổ chức “khủng bố” và đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ Syria. 

Ông Kalin nói thêm rằng, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải phóng người dân Syria khỏi các “phần tử” thuộc đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) và Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) – bị Ankara coi là một nhóm khủng bố và là cánh tay nối dài của đảng Lao động người Kurd (PKK) - vốn đã đấu tranh đòi quyền tự trị cho người Kurd ở đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ suốt 3 thập niên qua. 

Vị quan chức này nêu rõ: “Tất cả chúng ta đều biết rằng, ngay từ đầu, YPG và PYD đều thuộc PKK. Họ là một mối đe dọa đối với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara vẫn liên tục kêu gọi Mỹ ngừng làm việc với họ”. 

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trên núi Barsaya ở phía đông bắc thành phố Afrin.

Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh, cùng chiến dịch “Nhành Ôliu”, quân đội nước này đang đạt nhiều bước tiến tích cực tại Afrin. 

Cũng liên quan tới mục tiêu của chiến dịch “Nhành Ôliu”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố, chiến dịch quân sự này là để giải phóng những người bị áp bức ở khu vực này và để xóa sổ cái mà ông gọi là “một vành đai khủng bố, một nhà nước khủng bố mà những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc đang cố gắng thiết lập” dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng nước này đã phá hủy nhiều nơi ẩn náu, cất giữ vũ khí của các phần tử khủng bố thuộc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, PKK, YPG, PYD trong một chiến dịch không kích nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Nhành Ôliu” ở Afrin.

Những lời giải thích trên xuất hiện ngay sau khi Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố nhấn mạnh chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành tại khu vực miền Bắc nước này “rõ ràng là một hành động xâm lược” và rằng, sự hiện diện trái phép của các lực lượng nước ngoài bị cho là “sự chiếm đóng và sẽ bị xử lý dựa trên cơ sở đó”. 

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo Ankara rằng, sẽ là một “vấn đề thực sự” nếu chiến dịch “Nhành Ôliu” “đi theo một chiều hướng khác, thay vì chống lại mối đe dọa khủng bố tiềm tàng đối với khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà trở thành một chiến dịch xâm lược”, nhấn mạnh rằng ông muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải phối hợp hành động với các đồng minh. 

Tổng thống Pháp cũng cho biết sẽ một lần nữa nêu vấn đề này với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, đồng thời khẳng định bản chất của chiến dịch quân sự của Ankara đồng nghĩa với việc không chỉ cần có các cuộc thảo luận giữa các quốc gia châu Âu mà còn với các đồng minh. 

Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara coi những phát biểu của Paris liên quan đến chiến dịch “Nhành Ôliu” là “những lời lẽ xúc phạm” và cho rằng, cuộc hòa đàm Syria tại Geneva cần được nối lại, và để làm được điều này Chính phủ Syria cần bắt đầu đàm phán, sau Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga) vừa qua.

Theo giới phân tích, về thực chất, một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin là để đáp trả việc liên quân do Mỹ dẫn đầu thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới (BSF) tại miền Bắc Syria với nòng cốt là binh sĩ của YPG. Hành động này của Washington được ví như “giọt nước làm tràn lỳ”, thổi bùng sự giận dữ từ phía Ankara. 

Nếu nhìn từ góc độ này, chiến dịch “Nhành Ôliu” sẽ làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. 

Nếu chiến dịch quân sự ở Afrin không có điểm dừng, nhiều khả năng sẽ nổ ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa Ankara và Washington. Khi đó, nguy cơ xảy ra xung đột về quân sự là điều khó có thể tránh khỏi. Việc làm “phật lòng” Mỹ đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mất lòng nhiều nước đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Chưa dừng lại ở đó, chiến dịch “Nhành Ôliu” cũng sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đúng là Moscow dường như đã “bật đèn xanh” cho phép Ankara tiến hành chiến dịch quân sự trên, thông qua việc rút quân ra khỏi Afrin và đổ lỗi cho Mỹ về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tuy nhiên Nga cũng đưa ra đề xuất rằng, nếu người Kurd cho phép chính phủ Syria điều động binh sỹ vào Afrin thì khu vực này sẽ được bảo vệ chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Điều này có thể thấy được nỗ lực của Nga trong việc bảo toàn lãnh thổ Syria dưới sự điều hành của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngoài ra, mục đích khác của Nga cũng còn là muốn người Kurd hợp nhất với quân đội Syria để lực lượng này thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. 

Về đối nội, chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ còn gia tăng nguy cơ bất ổn an ninh trong nước, đặc biệt là kích động sự trả thù của những phần tử người Kurd có tư tưởng cực đoan. 

Chưa xử lý xong hậu quả của cuộc đảo chính, nay chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại phải đối phó với một mối đe dọa khác. Nhiều khả năng Tổng thống Erdogan sẽ phải ra lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp ban bố từ năm 2016 đến nay để ổn định tình hình.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.