Cựu Tổng thống Iran “đổ thêm dầu vào lửa”
- Thách thức pháp lý từ sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump
- Chưa có phán quyết về lệnh cấm nhập cư của ông Trump
- Mỹ: Tòa án Tối cao sẽ vào cuộc phân xử lệnh cấm nhập cư
- Bộ Tư pháp Mỹ điều trần những gì về sắc lệnh cấm nhập cư?
Bức thư này được gửi đi trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Washington và Tehran.
Trong bức thư dài hơn 3.500 từ, cựu Tổng thống Ahmadineyad nhấn mạnh: “Nước Mỹ đương đại thuộc về tất cả các quốc gia, bao gồm cả những người bản xứ của vùng đất này. Không ai có thể tự coi mình là chủ và coi những người khác là khách hay người nhập cư”.
Ngoài ra, ông Ahmadineyad nói, khoảng 1 triệu người Iran sống tại Mỹ và cho rằng, các chính sách Mỹ nên “tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và chủng tộc”.
Cựu Tổng thống Iran cũng lưu ý, mặc dù ông Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng “hệ thống chính trị và bầu cử của Mỹ đang trở nên mục nát”. Ông Ahmadineyad đồng thời chỉ trích Mỹ “thống trị” Liên Hợp Quốc, cũng như sự can thiệp của Washington trên thế giới mang lại “sự bất an, chiến tranh, chia rẽ, giết chóc và các quốc gia bị tan rã”.
Cảnh báo riêng tới Tổng thống Trump về quãng thời gian tại nhiệm ngắn ngủi sắp tới, ông nêu rõ: “4 năm là một thời gian dài, nhưng sẽ chấm dứt nhanh thôi. Do vậy, cần phải trân trọng mọi cơ hội và khai thác mọi thời điểm theo cách tốt nhất”.
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadineyad. |
Bức thư này đã được gửi tới Đại sứ quán Thụy Điển tại Tehran, đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran kể từ khi Tehran và Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1980.
Cũng trong ngày, bức thư này được truyền thông Iran công bố, Tehran đã triển khai các cuộc tập trận tại eo Hormuz, vịnh Oman, khu vực Bab el-Mandab và khu vực phía bắc Ấn Độ Dương. Mục đích của các cuộc tập trận nhằm huấn luyện các lực lượng chống khủng bố và hải tặc. Lực lượng lính thủy đánh bộ cùng với tàu hải quân, tàu ngầm và trực thăng sẽ tham gia tập trận trong khu vực 2 triệu km2 trải dài bờ biển Đông Nam của Iran. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của Iran kể từ khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1 vừa qua.
Trước đó, Iran và Nga đã nhất trí về lộ trình nhằm hợp tác sản xuất nguyên liệu hạt nhân nhưng phải cần hơn 2 năm để hai bên đi đến thỏa thuận này. Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi khẳng định, Tehran cần sự hỗ trợ của Moscow trong lĩnh vực nhiên liệu hạt nhân. Và để phục vụ cho phát triển chương trình hạt nhân dân sự, Iran đã để nghị mua 950 tấn tinh chất uranium từ Kazakhstan.
Ông Salehi nhấn mạnh rằng, việc mua uranium nói trên phải thực hiện xong “trong vòng 3 năm”, trong đó 650 tấn sẽ được nhập khẩu vào Iran trong hai chuyến hàng và 300 tấn còn lại sẽ được đưa đến Iran vào năm thứ ba. Việc Iran và Nga xích lại gần nhau hơn được đánh giá là sẽ làm Mỹ “hậm hực” vì việc này sẽ khiến Washington khó mà đạt được đồng thời hai mục tiêu, hai ưu tiên hàng đầu của Mỹ là đối đầu với Iran trong khi đồng thời cải thiện quan hệ với Nga và biến nước này thành đồng minh trong cuộc chiến chống “Hồi giáo cực đoan”.
Hồi đầu tháng này, để trả đũa việc Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo hôm 30-1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với Tehran. Tuy nhiên, Iran đã phản ứng một cách bình tĩnh và mềm mỏng trước những khiêu khích từ Washington. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này sẽ “im lặng” trước các mối đe dọa xuất phát từ Washington và “sẽ không bao giờ khởi động chiến tranh”.
Ông Zarif đồng thời cho rằng, với cộng đồng thế giới, việc kéo dài lệnh trừng phạt đối với Iran cho thấy Chính phủ Mỹ không đáng tin cậy. Cũng theo Ngoại trưởng Iran, Mỹ đang hành động đi ngược lại những cam kết của mình trong thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, đạt được giữa Iran và nhóm P5+1. Trong khi đó, Cố vấn Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích Mỹ đang tìm cách đe dọa Iran và dự đoán Washington sẽ là “kẻ thua cuộc cuối cùng”.
Giới phân tích nhận định, để đối đầu với Iran hay đẩy lùi sức mạnh của quốc gia Hồi giáo này, Mỹ có thể sẽ rơi vào cuộc xung đột sâu rộng hơn, tới mức gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu. Một quan chức Iraq giấu tên chỉ ra rằng, Iran tất nhiên cũng hiểu rằng, họ sẽ không có lợi ích gì nếu cố tìm một thái độ thù địch nghiêm trọng đối với Mỹ.
“Dẫu vậy, nếu nhận phải một sự gây hấn khó chịu Iran sẽ không nhún nhường”, vị quan chức đánh giá, và rằng: “Iraq, Iran và Mỹ là một phương trình cân bằng vô cùng tinh tế. Ông Trump không nên phá vỡ, mà nên hành động một cách tế nhị”. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump nên duy trì các kênh thông tin liên lạc mà chính quyền của ông Obama đã mở ra với Iran.