Cuộc đua đến Điện Kremlin 2018 chính thức khởi động
- Tiết lộ về đường tới Điện Kremlin của Tổng thống Nga Vladimir Putin12
- Điện Kremlin lên tiếng về “người kế nhiệm” Tổng thống Putin
- Điện Kremlin lên tiếng về cuộc gặp “bí mật” Trump – Putin
Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã ấn định 18-3-2018 là ngày bầu cử Tổng thống Nga, đồng nghĩa với việc các chiến dịch vận động tranh cử được phép bắt đầu từ ngày 18-12-2017.
Theo thông tin được Ủy ban bầu cử Trung ương Nga (CEC) công bố, bất kỳ công dân nào từ 35 tuổi trở lên, thường trú ở Nga ít nhất 10 năm đều đủ điều kiện tham gia tranh cử vào ghế tổng thống.
Theo quy định, các đảng ở Nga có 25 ngày, hạn chót 16-1-2018, để tổ chức hội nghị và nộp giấy tờ liên quan cho CEC. Đối với các ứng cử viên độc lập, hạn chót đến ngày 1-2-2018, phải thu thập được ít nhất 300.000 chữ ký của cử tri, các ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng, đảng đó phải thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký của cử tri cho ứng cử viên.
Nga hiện có 69 đảng chính trị được phép đề cử đại diện của mình ra tranh cử tổng thống năm 2018, trong đó có 4 đảng không cần thu thập chữ ký cho ứng cử viên của mình đó là Đảng Nước Nga Thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Tự do Dân chủ Nga và Đảng Nước Nga Công bằng.
Cuộc đua đến Điện Kremlin chính thức khởi tranh từ ngày 18-12-2017. Ảnh: Tourmoscow |
Nga dự kiến sẽ chi gần 18 tỷ rup ngân sách nhà nước cho cuộc bầu cử tổng thống 2018, chủ yếu dành cho việc tổ chức các điểm bỏ phiếu, trang bị máy tiếp nhận và xử lý phiếu bầu.
RT trích dẫn tuyên bố của Chủ tịch CEC Ella Pamfilova ngày 18-12 tiết lộ, hiện đã có 23 ứng cử viên thông báo ý định tranh cử, trong đó có đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một số gương mặt đáng chú ý khác trong danh sách trên gồm có Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov, nhà sáng lập Đảng Yabloko Grigory Yavlinsky, doanh nhân Boris Titov, nhà báo kiêm ca sĩ và nhạc sĩ Ekaterina Gordon.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, các ứng cử viên nói trên khó có thể làm lên điều bất ngờ trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Theo các bản khảo sát mới được công bố, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang nhận được sự ủng hộ vô cùng rộng rãi của người dân Nga.
Tổng thống Putin năm nay 65 tuổi, trong suốt 17 năm nắm giữ những cương vị đứng đầu nước Nga (13 năm làm Tổng thống và 4 năm làm Thủ tướng), đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng cho nước Nga. Nếu ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế tổng thống lần thứ tư vào tháng 3-2018, ông sẽ giữ chức cho đến năm 2024.
Kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Putin đều trên 80%.
Trong một tuyên bố được đưa ra đầu tuần, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ứng cử viên đáng giá, nhưng chúng tôi không thấy có đối thủ thực sự nào. Từ quan điểm của tôi, hiện tại vẫn chưa có đối thủ thực sự có thể cạnh tranh được với ông Putin, dù chỉ là bám sát ông ấy”.
CEC tuyên bố sẽ thực hiện nhiều biện pháp để cuộc bầu cử diễn ra một cách minh bạch và an toàn. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko bày tỏ quan điểm rằng số lượng các nhà quan sát Nga và quốc tế tham dự cuộc bầu cử ngày 18-3 sẽ cao chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Nga có khả năng sẽ không cho phép các quan sát viên Mỹ theo dõi cuộc bầu cử.
Cuối tuần trước, Hãng thông tấn TASS của Nga đã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã gửi thông báo chính thức cho các đồng nghiệp Mỹ và khẳng định rằng, sau khi cân nhắc quyết định của phía Washington, không cho phép quan chức ngoại giao Nga theo dõi kỳ bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11-2016, chúng tôi sẽ hành động dựa trên nguyên tắc có đi có lại.”
Đây được coi là một động thái nhằm đáp trả quyết định của Washington trong đó không cho phép các quan sát viên của Nga tham dự cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái, làm trầm trọng và kéo dài thêm những căng thẳng giữa Moscow và Washington xoay quanh cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, việc hai bên liên tục có những động thái đáp trả ngoại giao qua lại sẽ càng khiến tình hình trở nên rối rắm, cản trở những nỗ lực bình thường hoá quan hệ giữa hai nước của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin trong thời gian qua.
Dù kết quả của cuộc bầu cử ngày 18-3-2018 sẽ thế nào, người giành chiến thắng chung cuộc cũng sẽ phải là người đủ tài trí và bản lĩnh để chèo lái con thuyền nước Nga trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.
Người lãnh đạo mới của nước Nga sẽ đối mặt với những nhiệm vụ vừa đa dạng vừa đa diện đồng thời cũng hết sức phức tạp, trong đó có mối quan hệ với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới đặt “nước Mỹ lên hàng đầu”, cũng như hàng loạt ưu tiên về chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng khác.