Cử tri Pháp vẫn do dự trước giờ G

Chủ Nhật, 07/05/2017, 08:40
Hôm nay, ngày 7-5, cử tri Pháp bắt đầu bỏ phiếu vòng cuối cùng để bầu ra vị Tổng thống kế tiếp nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Cuộc bầu cử này được cho là quan trọng nhất trong nhiều thập kỉ qua tại Pháp, với hai ứng cử viên có quan điểm khác nhau về châu Âu và vai trò của nước Pháp, khiến nhiều cử tri vẫn đang do dự ngay trước thềm giờ G.

Cử tri Pháp hiện đang đối diện hai lựa chọn: một đất nước gần gũi với Liên minh châu Âu (EU), thương mại tự do theo quan điểm của ông Emmanuel Macron hay một đất nước đóng cửa biên giới và từ bỏ đồng tiền chung euro mà bà Marine Le Pen theo đuổi.

Một số cử tri Pháp chia sẻ: “Tôi hiện chẳng nghiêng về ứng cử viên nào. Bản thân tôi cũng đang bị chia rẽ và tôi nghĩ nước Pháp cũng vậy. Rất nhiều người dân Pháp sẽ bỏ phiếu một cách miễn cưỡng”.

Chính vì vậy, ngay trước khi thời điểm tranh cử chính thức khép lại, cả hai ứng cử viên tổng thống Pháp hôm 5-5 vẫn ra sức vận động sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là các cử tri còn đang do dự. 

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron cam kết nước Pháp sẽ có những thay đổi chính trị sâu sắc nếu ông được bầu làm tổng thống, đồng thời cho biết sẽ thực hiện những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực môi trường cũng như dân chủ và hệ thống chính quyền tại Pháp. 

Ông Macron cũng nhấn mạnh rằng chính trường Pháp cần những gương mặt mới và khẳng định sẽ thành lập một liên minh cầm quyền rộng rãi có thể hoạt động lâu dài. 

Người dân Pháp vẫn do dự chưa biết chọn ai làm Tổng thống.

Đáp lại, cựu Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen tuyên bố bà có thể đoàn kết nước Pháp nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, trong khi theo bà, ứng cử viên Macron chỉ làm tình hình chia rẽ thêm trầm trọng. Trong khi đó, các kết quả thăm dò mới nhất đều cho thấy ứng cử viên Macron đang nới rộng khoảng cách với đối thủ của mình khi tỉ lệ ủng hộ mà cả hai giành được lần lượt là 63% và 37%.

Trong bố cảnh đang chiếm ưu thế như vậy, ông Macron lại vướng phải một “bê bối” khi hai hãng truyền thông lớn của Nga là Kênh truyền hình nhà nước Nước Nga ngày nay (RT0029 và Hãng thông tấn Sputnik ngày 5-5 đồng loạt thông báo dự định sẽ kiện ứng cử viên này vì cáo buộc các cơ quan truyền thông này đã tiến hành chiến dịch bôi nhọ chống lại ứng viên Tổng thống Pháp. 

Cụ thể, “Sputnik đang tham vấn ý kiến của các luật sư về những cáo buộc sai trái từ Văn phòng quản lý chiến dịch tranh cử của Emmanuel Macron”. Chưa hết, cũng trong ngày 5-5, phong trào chính trị En Marche! (Tiến bước!) của ông Macron xác nhận họ bị tấn công mạng và một lượng lớn thư điện tử từ chiến dịch tranh cử của ông Macron đã bị đăng lên mạng tối muộn 5-5. 

Theo đó, khoảng 9Gb dữ liệu bị một tài khoản có tên EMLEAKS đăng lên Pastebin, một website chia sẻ tài liệu cho phép đăng tải nặc danh. Hiện chưa rõ ai là người phải chịu trách nhiệm với việc đăng tải cũng như tính xác thực của tài liệu. 

Tình hình lại càng nóng hơn bởi vụ kiện của ông Macron nhằm vào đối thủ. Cảnh sát Pháp hôm 4-5 đã mở cuộc điều tra hình sự đối với bà Le Pen sau khi ông Macron đệ đơn kiện bà bôi nhọ vì nói ông cất giấu tiền ở nước ngoài. Theo đơn kiện, bà Le Pen đã lan truyền tin giả nhằm tác động đến cuộc bầu cử. 

Trước đó, trong cuộc tranh luận trên truyền hình, bà Le Pen lặp đi lặp lại lời đồn đại ông Macron có tài khoản ở nước ngoài. Các công tố viên đã tiến hành điều tra xem ai là kẻ tung tin đồn này. Thêm một yếu tố được đánh giá là có thể mang lại thêm rủi ro cho ông Macron là một lượng lớn cử tri Pháp không đi bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng.

Ngoài cử tri và các ứng viên tổng thống, an ninh cũng là một vấn đề được quan tâm trong cuộc bầu cử Pháp khi nước này gần đây phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công khủng bố.  

Theo Cố vấn Truyền thông Bộ Quốc phòng Pháp Benoit Brulon, Pháp sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao trong cuộc bầu cử ngày 7-5. 

“Ngày bầu cử là một thời điểm rất quan trọng đối với nước Pháp. Do đó tất nhiên rất quan trọng đối với lực lượng an ninh. Lực lượng an ninh sẽ được huy động một cách tối đa giúp đảm bảo an ninh cũng như bảo vệ quyền bầu cử của các cử tri Pháp”, ông Brulon nói.

Khổng Hà
.
.
.