Sự thật về cơ sở nghiên cứu "vũ khí hóa học" của Syria bị Mỹ san phẳng

Chủ Nhật, 15/04/2018, 10:49
Một chuyên gia làm việc tại trung tâm khoa học ở Damacus, Syria vừa bị đánh sập do đòn không kích của Mỹ cho biết đó là nơi thử nghiệm các sản phẩm hóa học được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thuốc và... đồ chơi trẻ em.

Mỹ ngày 14-4 phối hợp với hai đồng minh Anh và Pháp nã hơn 100 tên lửa vào ba mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hoá học của chính quyền Syria ở thủ đô Damacus và tỉnh Homs. Dù đã bị đánh chặn đa số, các tên lửa Mỹ vẫn "san phẳng" một khu phức hợp khoa học ở quận Barzeh, phía Bắc Damascus.

Vị trí các toà nhà bị Mỹ- Anh - Pháp tấn công trong cuộc không kích sáng 14-4. Ảnh: AP

Khu nhà được Mỹ và các đồng minh cáo buộc là nơi sản xuất vũ khí hoá học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, một chuyên gia làm việc tại đây nói rằng đó chỉ là một trung tâm sản xuất những sản phẩm dân sự và không gây chết người, theo SCMP.

"Tòa nhà này có ba tầng, gồm tầng hầm, tầng một và tầng hai. Thật không may là các phòng thí nghiệm và đồ đạc đã bị phá hủy. Tạ ơn Chúa vì không có ai ở đây", ông Said Said, chuyên gia đứng đầu phòng sơn và chất dẻo thuộc trung tâm Barzeh, cho biết.

"Do chúng tôi làm công việc nghiên cứu dược phẩm và hóa học dân dụng nên không nghĩ rằng sẽ bị tấn công", ông Said nói. Theo người này, trung tâm bị Mỹ san phẳng là nơi sản xuất thuốc giải độc cho các trường hợp bị rắn độc, bọ cạp cắn và thử nghiệm các sản phẩm hóa học được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thuốc, đồ chơi trẻ em.

Một binh sĩ Syria kiểm tra thiệt hại tại trung tâm khoa học vừa bị đánh sập. Ảnh: ITN

"Nếu có vũ khí hóa học, chúng tôi sẽ không thể đứng ở đây. Tôi đến từ 5h30 và hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi không hề bị ho", ông nói, đề cập đến việc các chất độc chết người chắc chắn sẽ bị lan ra môi trường khi trung tâm này bị phá huỷ và từ đó ảnh hưởng đến những người xung quanh, nếu đây là nơi sản xuất vũ khí hoá học.

Được biết, vụ tấn công được Mỹ tiến hành sau khi cáo buộc Damacus tấn công hoá học nhằm vào thường dân ở Đông Ghouta khiến 70 người thiệt mạng. Các điều tra viên của Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) dự kiến sẽ đến Douma, Đông Ghouta trong vài giờ tới để điều tra nghi án trên.

"OPCW đã từng ở hai phòng tại các tầng trên, và sử dụng các phòng thí nghiệm. Chúng tôi luôn hợp tác với họ", ông Said nói. "OPCW đã hai lần chứng minh trong các báo cáo của họ rằng trung này của chúng tôi không có vũ khí hoá học."

Thiện Minh
.
.
.