Cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thêm mong manh

Thứ Năm, 07/11/2019, 10:12
Iran ngày 6-11 bắt đầu bơm khí uranium vào máy ly tâm tại cơ sở làm giàu Fordow, như những gì Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố trước đó một ngày, động thái được cho là sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran.


Theo điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đạt được giữa Iran và các cường quốc trên thế giới năm 2015, Iran đồng ý biến cơ sở hạt nhân Fordow, nằm bên dưới một ngọn núi gần thành phố Qom, thành một “trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ”, nơi sử dụng đến 1.044 máy ly tâm cho các mục đích khác ngoài làm giàu uranium, như sản xuất các đồng vị ổn định với nhiều mục đích dân dụng. 

Địa điểm này hồi năm 2009 bị Anh, Pháp và Mỹ phát hiện là một cơ sở làm giàu uranium bí mật của Iran. Với thỏa thuận JCPOA, Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc loại bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của quốc tế. 

Nước này sau đó đã giảm dần việc tuân thủ các cam kết đối với thỏa thuận kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

“Bắt đầu từ ngày 6-11, khí sẽ được bơm vào các máy ly tâm tại Fordow, một phần trong bước thứ tư của chúng tôi nhằm giảm bớt các cam kết hạt nhân theo như thỏa thuận”, ông Rouhani phát biểu trên truyền hình Iran ngày 6-11. 

Đại sứ của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Kazem Gharibabadi, cho biết Iran đã cho cơ quan này được biết về việc nước này sẽ bắt đầu tiêm UF6 (uranium hexafluoride) vào máy ly tâm vào ngày 6-11. 
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận JCPOA cấm vật liệu hạt nhân từ cơ sở Fordow và với việc bơm UF6 vào máy ly tâm, cơ sở này đã trở thành một địa điểm hạt nhân đang hoạt động chứ không còn là một trung tâm nghiên cứu đơn thuần. 

Đại sứ Iran cho biết thêm, trước đó, IAEA đã được yêu cầu cử thanh tra đến theo dõi quá trình này.

Mỹ gọi động thái này của Iran là “một bước đi sai hướng nghiêm trọng” và cho biết Tehran không đưa ra một lý do đáng tin cậy nào cho việc mở rộng chương trình làm giàu uranium của mình. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh Mỹ “hoàn toàn ủng hộ việc IAEA thực hiện vai trò giám sát độc lập tại Iran và trông chờ báo cáo của IAEA về bất kỳ động thái nào liên quan”, đồng thời cho biết thêm, Washington muốn tiếp tục chính sách gây áp lực kinh tế đối với Tehran cho đến khi nước này chịu thay đổi hành vi của mình. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng thỏa thuận JCPOA, đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, không đủ mạnh trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran cũng như không cản được Tehran hỗ trợ các lực lượng ở khu vực Trung Đông mà Mỹ coi là khủng bố.

Iran ngày 4-11 tuyên bố họ đã tăng tốc làm giàu bằng cách tăng gấp đôi số lượng máy ly tâm IR-6 tiên tiến đang hoạt động, đồng thời cho biết họ đang nghiên cứu một mẫu thử nghiệm có tên IR-9, hoạt động nhanh hơn 50 lần so với máy ly tâm IR-1. 

Ngoài ra, trong bài phát biểu ngày 5-11, ông Rouhani đã đưa ra thời hạn hai tháng cho Anh, Pháp và Đức để cứu vãn thỏa thuận bằng cách bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

“Chúng tôi không thể đơn phương chấp nhận thực hiện hoàn toàn các cam kết của mình trong khi họ (Mỹ) không thực hiện theo các cam kết của mình”, ông Rouhani nhấn mạnh. Tehran từng cho biết có thể đạt được một thỏa thuận nếu Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận.

Những động thái này được cho là sẽ làm gia tăng phức tạp và thu hẹp cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc châu Âu, Nga và EU vẫn đang kêu gọi Iran tuân thủ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tuân thủ đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận. 

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho hay nước này bày tỏ lo ngại về quyết định của Iran nối lại hoạt động làm giàu urani. 

Phát biểu với phóng viên, ông Peskov nói: “Chúng tôi đang lo ngại theo dõi diễn biến tình hình. Chúng tôi ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này”. 

Pháp ngày 5-11 đã kêu gọi Iran đảo ngược quyết định nối lại hoạt động làm giàu urani tại Nhà máy Hạt nhân Fordow, cho rằng động thái này vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ủy ban châu Âu cùng ngày cũng cho rằng việc Iran quyết định thực hiện bước đi này của Iran là điều đáng lo ngại, đẩy thỏa thuận này vào tình trạng nguy hiểm. 

Ngoại trưởng Anh cũng Dominic Raab cho biết quyết định của Iran cũng gây ra đe dọa đối với an ninh quốc gia của Anh và kêu gọi các bên “tìm một con đường hướng tới tương lại thông qua đối thoại quốc tế mang tính xây dựng”.

Giới chuyên gia có nhiều nhận định khác nhau về động thái này của Tehran. Bob Einhorn, chuyên gia hạt nhân tại Viện nghiên cứu Brookings và là cựu quan chức Ngoại giao Mỹ, cho biết động thái này không hoàn toàn là một sự leo thang lớn trong các hoạt động về hạt nhân của Iran. 

Theo chuyên gia này, Iran đã có thể tiến hành nhiều hành động khác mang tính “khiêu khích hơn, như việc tăng mức độ làm giàu uranium lên đến 20% hoặc chấm dứt hoàn toàn quan hệ với IAEA”, nhưng Iran đã không làm như vậy. Ali Akbar Salehi, người đứng đầu ngành hạt nhân của Iran, cho biết nước này sẽ làm giàu uranium lên đến 5% tại trung tâm Fordow vào ngày 6-11. 

Tehran có thể làm giàu uranium lên đến 20% nếu cần thiết, nhưng “điều này chưa cần thiết vào thời điểm này”, Ali Akbar Salehi cho biết thêm. 

Thỏa thuận JCPOA giới hạn mức độ tinh khiết mà Iran có thể làm giàu uranium ở mức 3,67%, phù hợp với sản xuất năng lượng dân sự và thấp hơn nhiều so với ngưỡng 90% để sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran phủ nhận từng có mục đích phát triển bom hạt nhân. 

Các quan sát viên của Liên hợp quốc hồi tháng 7 báo cáo cho biết Iran đã tăng cường làm giàu tới độ tinh khiết là 4,5% trong động thái đầu tiên được cho là giảm cam kết với thỏa thuận.

Duy Tiến
.
.
.