Chiến sự rất ác liệt tại “chảo lửa” Syria

Thứ Bảy, 24/02/2018, 07:58
Trong những ngày đầu năm 2018, một số thành phố như Afrin, miền Bắc Syria hay Đông Ghouta, vốn là những khu vực bùng phát chiến sự dữ dội, trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Chiến sự tại những khu vực này như thêm dầu vào chảo lửa Syria trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm mà chưa có hồi kết.


Ngày 20-1 vừa qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự “Nhành ôliu” nhằm tấn công và đánh bật các tay súng thuộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đang kiểm soát vùng Afrin của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị cấm hoạt động ở nước này. 

Chiến dịch này một lần nữa đặt mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vào thế đối đầu căng thẳng bởi YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. 

Không dừng lại ở đó, trong một phát biểu trước Quốc hội ngày 20-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết trong vài ngày tới, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến dịch và bao vây trung tâm TP Afrin. 

Trước tình hình đó, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ lo ngại chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc của Syria vốn đang tiến triển rất chậm chạp.
Người dân Syria sau những trận mưa bom bão đạn.

Thêm nữa, chảo lửa Syria vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn để giải phóng khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damacus, nơi sinh sống của hơn 400.000 thường dân, khiến nhiều người vào cảnh màn trời chiếu đất, hay thậm chí bị thương nặng và thiệt mạng. 

Lực lượng Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đã mở các cuộc tấn công vào Đông Ghouta, khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát, từ hôm 18-2 với nhiều cuộc không kích, tấn công bằng tên lửa và đạn pháo. 

Damacus đã kỳ vọng vào một thoả thuận với các nhóm phiến quân, cho phép dân thường và các tay súng chống đối di tản khỏi khu vực. Tuy nhiên, tiến trình thương lượng đã đổ vỡ, các tay súng phiến quân “phớt lờ” lời kêu gọi hòa giải và pháo kích liên tiếp vào các khu vực do quân chính phủ kiểm soát. Ngoài ra, các nhóm này cũng ngăn cản dân thường di tản khỏi Đông Ghouta, biến họ thành lá chắn sống.

Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, khoảng 250 dân thường đã bị thiệt mạng trong các đợt không kích tại Đông Ghouta trong tuần này, nâng tổng số thương vong tại khu vực này từ ngày 4-2 đến nay lên đến hơn 1.200 người. Tuy vậy, các báo cáo về con số thương vong tại khu vực Đông Ghouta hiện không thống nhất. 

Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết con số được công bố hiện nay mới chỉ là những gì nhân viên Liên Hợp Quốc thu thập được và cảnh báo rằng con số thực tế còn có thể lớn hơn nhiều. 

Trong khi các tổ chức cứu trợ nhân đạo không thể tiếp cận Đông Ghouta, người dân tại đây đang sống trong cảnh cùng cực, thiếu thốn thực phẩm, nước uống, hệ thống chăm sóc y tế không đảm bảo. Lương thực tại đây có giá đắt hơn 22 lần giá trung bình trên toàn Syria, nguồn thuốc men đang cạn kiệt, nhiều người bị thương đã thiệt mạng bởi không được điều trị y tế kịp thời.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực này để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo có thể đến được với người dân. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mô tả các cuộc tấn công của lực lượng Chính phủ Syria vào Đông Ghouta đã biến nơi này thành “địa ngục trần gian”. 

BBC dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hôm 21-2 cho biết: “Tôi tin rằng người dân ở Đông Ghouta không thể chờ đợi thêm nữa”. Ông Guterres gọi tình hình tại Đông Ghouta là “thảm họa nhân đạo” và cộng đồng quốc tế “không thể để mọi thứ xảy ra theo cách khủng khiếp vậy”.

Trong bối cảnh rối ren tại Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong ngày 22-2 (giờ New York, Mỹ) đã chưa thể nhất trí thông qua một dự thảo nghị quyết do Thụy Điển và Kuwait soạn thảo sau hơn hai tuần đàm phán. 

Dự thảo nghị quyết này yêu cầu các bên ngừng bắn ngay lập tức trong 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria, đồng thời tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo, sơ tán các bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp, kêu gọi bảo vệ các bệnh viện và cơ sở y tế khác, đồng thời yêu cầu các bên tuân thủ luật cứu trợ nhân đạo quốc tế… tại ít nhất 4 khu vực gồm Đông Ghouta, Yarmouk, Foua and Kefraya.

Chiến sự ngày càng ác liệt tại Syria sẽ kéo dài sang năm thứ 8 trong tháng 3 tới đây. Theo thống kê của SOHR, hơn 340.000 người đã thiệt mạng và 5 triệu người khác phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn cả ở trong và ngoài Syria kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát tại Syria hồi tháng 3-2010.

Thêm vào đó, hơn 13,1 triệu người đang ở tình trạng cần được viện trợ nhân đạo, trong đó 2,9 triệu người đang sinh sống tại những vùng bị bao vây và cô lập tại Syria. Những cuộc không kích gần đây cùng với những số liệu về thương vong không ngừng tăng càng làm cho tương lai của khu vực này ngày càng trở nên u ám.

Người dân Syria sau những trận mưa bom bão đạn.
Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.