Chiến đấu cơ bay trên đầu người biểu tình Myanmar

Thứ Năm, 04/03/2021, 19:45
Ít nhất 5 máy bay chiến đấu được triển khai hoạt động ở tầm thấp tại thành phố Mandalay của Myanmar, khi đám đông biểu tình chống đảo chính đang tập trung ở dưới.


Reuters ngày 4/3 dẫn thông báo của các nhân chức cho biết, có ít nhất 5 chiếc máy bay quân sự đã bay tầm thấp qua thành phố Mandalay, nơi các nhóm biểu tình tập trung, dường như là để gây sức ép với đám đông phản đối đảo chính quân sự.


Video ghi lại cảnh máy bay quân sự bay qua thành phố Mandalay.

Hình ảnh do truyền thông khu vực đăng tải cho thấy 5 chiếc phi cơ bay thành đội hình ở tầm thấp và không thực hiện thao tác đáng chú ý nào khác.

Sự xuất hiện của máy bay quân sự trên bầu trời Mandalay xảy ra không lâu sau khi Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về tình hình Myanmar Christine Schraner Burgener thông báo, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar chỉ trong ngày 3/3.

Đây được đánh giá là ngày đẫm máu nhất từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ đầu tháng trước, nâng tổng số người chết trong các cuộc biểu tình tại Myanmar vượt con số 50.

Tại Mandalay, các nhân chứng nói rằng họ có chứng kiến những người biểu tình ngã xuống vì trúng đạn, gồm một cô gái 19 tuổi mặc áo phông in dòng chữ “mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”. Nhiều người khác đã bị thương, được đưa đến bệnh viện hoặc được các nhân viên y tế tình nguyện cấp cứu tại chỗ.

Người biểu tình Myanmar đụng độ với lực lượng an ninh. Ảnh: Getty Images

Được biết, cộng đồng quốc tế những ngày qua gây sức ép buộc quân đội Myanmar dừng sử dụng vũ lực chống người biểu tình nhưng không thành.

Đặc phái viên Burgener trong phát ngôn mới nhất cũng tiết lộ, trong cuộc liên lạc mới đây của bà với Phó Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, bà đã cảnh báo với ông này rằng, quân đội Myanmar có thể đối mặt các biện pháp mạnh từ một số nước và tình trạng bị cô lập sau cuộc đảo chính.

“Câu đáp lại là “Chúng tôi đã quen với các lệnh cấm vận và chúng tôi vẫn sống sót”. Khi tôi cảnh báo thêm rằng họ sẽ bị cô lập, câu đáp lại là: “Chúng tôi phải học cách đồng hành với chỉ vài người bạn””, bà Burgener thuật lại.

Tháng trước, Hội đồng Bảo an LHQ từng họp khẩn và bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, dù không đưa ra nghị quyết lên án cuộc chính biến do chưa nhận được sự chấp thuận của Nga và Trung Quốc. Ngày 5/3 tới, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp một lần nữa để thảo luận về Myanmar.

Đám đông biểu tình Myanmar cúi thấp người tránh đạn của lực lượng an ninh. Ảnh: Getty Images

Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội nước này hôm 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo chính phủ với cáo buộc rằng đã có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, kéo theo các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc.

Quân đội Myanmar gần đây cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính. Tuy nhiên, chính quyền do quân đội Myanmar kiểm soát lại đưa ra nhiều cáo buộc hình sự chống lại bà Suu Kyi, cho thấy khả năng bà có thể sẽ phải ngồi tù nếu bị phán quyết có tội.

Hiện không ai biết bà Suu Kyi đang được giam giữ ở đâu. Phe quân đội thời gian qua liên tục di dời nơi giam giữ của bà nhằm đảm bảo an ninh. Họ khẳng định bà Suu Kyi đang khỏe mạnh. Lần gần nhất bà Suu Kyi xuất hiện trước công chúng là để dự phiên toà trực tuyến hôm 1/3.


Thiện Nhân
.
.
.