Biện pháp ngoại giao là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề Triều Tiên

Thứ Hai, 30/10/2017, 10:10
Không đặt nhẹ các lựa chọn quân sự, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo ngày 28-10 (giờ địa phương) đã bày tỏ mong muốn giải quyết mọi xung đột bằng con đường ngoại giao.


Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 28-10 đã Hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo tại Hội nghị tham vấn an ninh (SCM) cấp Bộ trưởng thường niên lần thứ 49 giữa hai nước tại Seoul. Đây là Hội nghị tham vấn an ninh đầu tiên giữa hai đồng minh này dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Diễn ra vào thời điểm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" và trước thềm chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nội dung hội nghị diễn ra không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát với trọng tâm là việc phối hợp về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, các biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn và kế hoạch của Seoul trong việc tiếp nhận Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) đối với Quân đội Hàn Quốc. 

Đáng chú ý, cùng với việc thông qua bản tuyên bố chung gồm 18 nội dung, cả hai Bộ trưởng đều nhấn mạnh rằng Mỹ và Hàn Quốc đang nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao.

Chiến tranh không phải là mục tiêu

Phát biểu tại buổi họp báo chung sau hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gọi những hành động của Bình Nhưỡng là "bất hợp pháp" và Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận chương trình hạt nhân của nước này. 

Ông Mattis cho rằng, việc Bình Nhưỡng tiếp tục thúc đẩy các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa không những không giúp tăng cường an ninh cho nước này mà chỉ làm tình hình xấu đi. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh các biện pháp ngoại giao là "hành động ưu tiên" hàng đầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo trước khi bắt đầu Hội nghị tham vấn an ninh. Ảnh: EPA

Điều đáng nói là không phải chờ đến Hội nghị tham vấn an ninh Mỹ-Hàn Quốc mà trong suốt chuyến thăm của mình đến nhiều nước châu Á, ông Mattis đã luôn nhấn mạnh mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho mọi xung đột, đặc biệt là căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên cũng như những cuộc "khẩu chiến" giữa Washington và Bình Nhưỡng vốn khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra một đụng độ quân sự. 

"Tôi mong muốn truyền tải một thông điệp rằng nếu chúng ta cùng hợp tác càng nhiều trong hôm nay thì sẽ càng có nhiều cơ hội để bảo vệ hòa bình trong tương lai", ông Mattis phát biểu với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản tại một cuộc họp được tổ chức hôm 23-10 tại Philippines. 

Chỉ trước Hội nghị tham vấn an ninh (SCM) Mỹ-Hàn một ngày, hôm 27-10, khi tới thăm khu phi quân sự ở biên giới liên Triều, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định mục tiêu của nước Mỹ là "không chiến tranh" và chỉ hướng tới một quá trình phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên.

Giải pháp quân sự chưa hoàn toàn bị loại bỏ

Mặc dù đề cao giải pháp ngoại giao, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không quên cảnh báo Bình Nhưỡng về việc sức mạnh quân sự của họ sẽ "không thấm vào đâu" so với sức mạnh của liên quân Mỹ - Hàn. Ông Mattis cho rằng giải pháp ngoại giao sẽ hiệu quả nhất "khi được hỗ trợ bởi một sức mạnh quân sự tin cậy". 

"Đừng mắc sai lầm - bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của chúng tôi đều sẽ bị đánh bại. Bất cứ việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng quân sự dữ dội vừa hiệu quả, vừa áp đảo", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lên tiếng cảnh báo. 

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết, nước này và các đồng minh có khả năng ứng phó với bất kỳ cuộc tấn công nào, kể cả đó là cuộc tấn công hạt nhân. 

Cần lưu ý rằng, các cuộc thảo luận tổ chức tại Seoul xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa tổ chức cuộc tập trận hải quân chung, trong đó gồm nhiều phi cơ chiến đấu, tàu ngầm và nhiều chiến hạm khác, bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, nhằm huấn luyện ứng phó với các hành động khiêu khích từ Triều Tiên. 

Đây liệu có phải một hành động gián tiếp chứng minh quan điểm vững vàng của đồng minh Mỹ-Hàn trong vấn đề Triều Tiên: ngoại giao là hàng đầu, song quân sự vẫn là chỗ dựa.

CHDCND Triều Tiên trong những tháng gần đây liên tục thử nghiệm nhiều vũ khí nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến dư luận thế giới lo ngại. Trước những hành động khó đoán của Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc buộc phải cùng thống nhất những phương án tối ưu nhất, bởi bất cứ tính toán sai lầm nào của mỗi bên cũng có thể dẫn tới một cuộc đối đầu vũ trang. Thế giới đều mong muốn giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.

An Nhiên
.
.
.