Ba nước Nam Phi "chật vật" hậu bão Idal, số người chết tăng vọt
- 446 người thiệt mạng trong cơn bão "thảm hoạ" tại Mozambique
- Thêm 3.000 người Mozambique được cứu sau siêu bão
- Bão Idai càn quét Mozambique, hơn 1.000 người có thể đã thiệt mạng
Số người thiệt mạng theo ước tính sơ bộ tại ba nước Nam Phi bị ảnh hưởng sau siêu bão Idal là khoảng 750 người. Ảnh: Getty Images. |
Theo thông tin từ tờ The Guardian, số người thiệt mạng do lốc xoáy Idal gây ra tại Mozambique, Zimbabwe và Malawi đã tăng lên con số 750 (Mozambique: 446; Zimbabwe: 259; Malawi: 56). Trong khi đó, hơn 110.000 người khác hiện mất hết nhà cửa và phải sống trong các khu tập trung.
Tuy nhiên, Hội chữ thập đỏ Nam Phi khẳng định, các con số nêu trên vẫn chỉ là sơ bộ. "Phải chờ tới khi nước rút mới có thể tính toán được chính xác, bởi nhiều thi thể được cho là bị vùi trong các đống đổ nát và chìm sâu dưới biển nước lũ", đại diện Hội chữ thập đỏ Nam Phi nói.
Ngoài công tác cứu hộ, Mozambique, Zimbabwe và Malawi đang phải chuẩn bị để chống chọi với nguy cơ bệnh dịch lây lan. Ảnh: Getty Images. |
Hiện tại, nỗ lực giải cứu những người bị mắc kẹt bởi lũ lụt đang tiếp tục được đẩy mạnh triển khai sau 10 ngày kể từ khi bão Idal càn quét. Nhiều máy bay trực thăng và thuyền đã được huy động để giải cứu những người mắc kẹt trên mái nhà hay trên cây.
Không chỉ là thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, chính phủ ba nước Nam Phi cũng đang chuẩn bị đối mặt với nguy cơ lây lan của các bệnh dịch lây truyền qua đường nước như tả hay sốt rét. Một số trường hợp mắc tả đã được ghi nhận tại Beira, thành phố thiệt hại nặng nề nhất của Mozambique.
James McQuen Patterson, Giám đốc Sức khỏe và Dinh dưỡng của Unicef kêu gọi các nỗ lực của các bên để hỗ trợ hết khả năng, sớm đưa những người đang bị mắc kẹt đến nơi an toàn. Ông Patterson nhấn mạnh, ngủ ngoài trời với môi trường ẩm ướt và không sạch sẽ chính là cơ hội để các ổ dịch bùng phát.
Sebastian Rhodes Stampa, thuộc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp quốc cho biết, Mozambique là nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Hiện tại, hai bệnh viện đã chiến lớn cùng hệ thống lọc nước đang hoạt động hết công suất để phục vụ nguời dân. Một thiết bị không người lái cũng được sử dụng để trinh sát các khu vực khó tiếp cận do nước lũ chưa rút hết.