Ít nhất 12 người thiệt mạng do bão Fani ở Ấn Độ
- Hơn 1 triệu người dân Ấn Độ sơ tán khẩn cấp trước siêu bão
- Mozambique tiếp tục vật lộn với siêu bão
- Thêm 3.000 người Mozambique được cứu sau siêu bão
Sau khi đổ bộ vào vùng duyên hải phía đông Ấn Độ hôm 3-5, siêu bão Fani suy yếu thành "áp thấp nhiệt đới", cơ quan khí tượng Ấn Độ cho biết.
Hiện bão Fani vẫn đang nhấn chìm hàng chục ngôi làng ở khu vực trũng thấp ở Bangladesh.
Khung cảnh tan hoang tại nhà ga ở Puri, bang Odisha, Ấn Độ sau khi siêu bão Fani đổ bộ. (Ảnh: Getty) |
Khoảng 1,2 triệu người sống ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão ở Bangladesh đã được chuyển đến 4.000 nơi trú ẩn. Cơn bão đã phá hủy nhiều ngôi nhà ở quận Noakhali, nơi hiện đã có 1 em bé hai tuổi thiệt mạng cùng khoảng 30 người bị thương do bão Fani, Reuters dẫn lời một quan chức địa phương cho biết.
Ở Ấn Độ, các nhà chức trách đang đánh giá thương vong và thiệt hại do Fani gây ra ở bang Odisha. Truyền thông nước này cho biết có ít nhất 12 người thiệt mạng trên toàn bang, phần lớn nguyên nhân là do cây đổ.
Trong vòng 24h trước khi siêu bão đổ bộ, giới chức nước này đã tiến hành di tản hơn 1,2 triệu người tới các điểm trú bão an toàn như ở trường học, tòa nhà để giảm thiểu tối đa thương vong về người.
Thị trấn Puri, nơi nằm trên trục di chuyển của bão, bị thiệt hại nặng nề khi gió giật lên tới 200 km/h làm tốc mái nhà, cột điện gãy đổ và cây cối bật gốc. "Thiệt hại không thể tưởng tượng nổi. Puri bị tàn phá nặng nề", Bishnupada Sethi, ủy viên lực lượng cứu trợ đặc biệt bang Odisha cho hay, đồng thời cho biết thêm có 116 người bị thương trên toàn bang.
Có ít nhất 6 người chết ở Bhubaneswar, thủ phủ bang Odisha, nơi cây cối gãy đổ chặn đường đi và gây mất điện tòa khu vực. Ashok Pattnaik, Giám đốc bệnh viện Thủ đô, một trong những bệnh viện nhà nước lớn nhất ở Bhubaneswar, cho biết 4 người đã nhập viện và đang trong tình trạng nguy kịch vì tai nạn trong mưa bão.
Sân bay Bhubaneswar cũng chịu thiệt hại đáng kể, nhưng đã được mở cửa trở lại vào chiều 4-5, Bộ hàng không Ấn Độ cho biết.
Bang tiếp giáp với Odisha, bang Tây Bengal tuy không bị thiệt hại nặng nề song cơ quan chức năng cũng đã phải sơ tán gần 45 nghìn người tới các nơi an toàn.
Mùa bão ở Vịnh Bengal có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm. Năm 1999, một siêu bão đã đánh sập bờ biển Odisha trong 30 giờ, giết chết hơn 10.000 người. Kể từ đó tới nay, những tiến bộ về công nghệ cảnh báo đã giúp cho việc theo dõi cơn bão chính xác hơn, giúp các cơ quan chức năng có nhiều thời gian để chuẩn bị cho công tác phòng tránh và sơ tán gần nửa triệu người, cứu hàng nghìn mạng sống trong đợt siêu bão năm 2013.