Ấn Độ bắt đầu bước vào cuộc bầu cử lớn nhất lịch sử

Thứ Năm, 11/04/2019, 15:06
Sáng 11-4, gần 900 triệu cử tri Ấn Độ bắt đầu bước vào cuộc bầu cử lớn nhất lịch sử. Đây được coi là cuộc bỏ phiếu dân chủ quy mô lớn nhất thế giới, trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực tranh cử giành lấy nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.

Trong cuộc bầu cử lần này, có gần 900 triệu trong số 1,3 tỷ người dân Ấn Độ đủ điều kiện để tham gia bỏ phiếu. 

Các cử tri xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu ở Muzaffarnagar, thành phố thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ  sáng 11-4. (Ảnh: Reuters)

Do Ấn Độ có diện tích quá rộng lớn, việc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong khoảng 6 tuần, chia làm 7 giai đoạn. Người dân sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 543/545 thành viên Hạ viện. Hai ghế còn lại do Tổng thống chỉ định. Sau cuộc bỏ phiếu, chính đảng nào hay liên minh nào giành được tối thiểu 272 ghế sẽ có quyền thành lập chính phủ mới.

Trong đợt 1 bắt đầu từ ngày 11-4, các cử tri sẽ bỏ phiếu bầu 91 ghế tại Hạ viện. 6 đợt bầu cử tiếp theo sẽ lần lượt diễn ra lần lượt vào các ngày 11-4, 18-4, 23-4, 29-4, 6-5, 12-5 và 19-5. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 23-5.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử Ấn Độ đã thiết lập hơn 1 triệu điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, đồng thời tăng cường khoảng 2 triệu cảnh sát để thắt chặt an ninh tại các điểm bầu cử. Trước đó hai ngày, 7 người đã thiệt mạng sau hai vụ tấn công do nhóm phiến quân Maoist gây ra tại 2 bang Chhattisgarh, trong đó bao gồm một nhà lập pháp tiểu bang từ đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi.

Cử tri Ấn Độ tham gia bỏ phiếu sáng 11-4. (Ảnh: Reuters)

Trong một động thái được xem như một chiến thắng giành cho phe đối lập, Ủy ban bầu cử Ấn Độ ngày 10-4 đã cấm chiếu bộ phim về tiểu sử của ông Modi cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 19-5. Lý do được đưa ra là bộ phim "có khả năng gây xáo trộn sân chơi bình đẳng trong cuộc bầu cử". Theo quy định bầu cử của Ấn Độ, việc xuất bản bất kỳ nội dung nào được coi là tài liệu chiến dịch tranh cử như quảng cáo, phim và thậm chí bài đăng trên mạng xã hội đều phải có sự chấp thuận trước của Ủy ban Bầu cử.

Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi đang tìm kiếm một chiến thắng thứ hai liên tiếp, mặc dù đang có tỷ lệ chiến thắng cao nhất, song mục tiêu dường như không dễ dàng như năm 2014. Do tính chất kéo dài của cuộc bầu cử, kết quả cuối cùng sẽ chỉ được xác định vào ngày 23-5 tới.

Hồ Thiên
.
.
.