Tổng thống Putin và 11 phát ngôn làm "rung chuyển" thế giới

Thứ Sáu, 24/11/2017, 15:01
Đằng sau mỗi quyết sách đối ngoại của Điện Kremlin là những luận điểm được thể hiện vô cùng sắc nét và cụ thể qua từng tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Với báo giới quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhân vật đầy bí ẩn. Từ cách ông can thiệp vào những xung đột trên thế giới đến việc ông điều hành trong nước, ông Putin đều khiến người ta tốn nhiều giấy mực để phân tích. 

Nhiều người cho rằng ông khó đoán định hay thậm chí là hành xử theo cảm xúc. Tuy nhiên, trên thực tế, theo các chuyên gia của đài RT, đằng sau những quyết sách đối ngoại của Điện Kremlin luôn là những quan điểm thể hiện rõ ràng qua từng tuyên bố của Tổng thống Putin.

"Mỹ là một cường quốc"

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg tháng 6-2016, Tổng thống Putin khẳng định: "Mỹ là một cường quốc. Có lẽ là cường quốc duy nhất hiện nay. Chúng tôi chấp nhận điều đó và sẵn sàng hợp tác với họ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp đầu tiên. Ảnh: RT

Tuy nhiên, theo người đứng đầu nước Nga, điều mà Moscow không thích ở Mỹ đó là việc Washington đã can thiệp vào các vấn đề của Nga. “Mỹ thậm chí muốn bảo chúng tôi sống thế nào hay ngăn cản châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Moscow”, Tổng thống Putin nói.

Về nghi án Nga can thiệp tới nước ngoài

Nói về những cáo buộc không ngừng nghỉ của Mỹ về việc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, Tổng thống Putin cho rằng: "Đó là chiến dịch tuyên truyền không có điểm dừng của truyền thông Mỹ và sự tài trợ trực tiếp của các tổ chức phi Chính phủ Mỹ. Họ làm điều đó từ năm này qua năm khác…”

“Hãy lấy quả địa cầu, xoay một vòng và đặt ngón tay của các bạn vào bất cứ đâu, tôi có thể đảm bảo rằng ở đó có các lợi ích của Mỹ, có sự can thiệp của Mỹ. Người Mỹ muốn gì? Họ muốn mọi người phái cúi đầu trước họ", ông Putin nói hồi tháng 6-2017.

Về khủng hoảng ly khai Catalonia

Người dân Catalonia biểu tình đòi ly khai hồi tháng 9-2017. Ảnh: EPA

"Ngày xưa, EU từng hoan nghênh việc Kosovo tách khỏi Serbia và một loạt sự sụp đổ khác tại châu Âu chỉ vì những lợi ích ngắn hạn và để làm vừa lòng người “anh cả” ở Washington”, Tổng thống Putin nói tại Câu lạc bộ Valdai hồi tháng 7-2017. “Châu Âu đã phải đối mặt với hậu quả của chính họ.”

Về châu Âu

"Liệu các nước châu Âu có được lợi khi họ tuyệt đối hành động theo mục đích đối ngoại và đối nội của Washington? Tôi không chắc lắm. Đây có phải là mục đích của nền chính trị nghiêm túc, và vai trò của các quốc gia này sẽ tiếp tục nếu họ muốn tự gọi là cường quốc?”, Tổng thống Putin nói tại một diễn đàn đầu tư vào tháng 10-2016.

Về “kình địch” NATO

Có thể nói rằng, NATO ra đời là để đối đầu với Liên Xô và Khối phía Đông (Liên Xô và các đồng minh tại Đông Âu). Tuy nhiên, cả hai thực thể này đều đã là quá khứ. Theo Tổng thống Putin “NATO cần một kẻ thù bên ngoài để biện minh cho sự tồn tại của mình do đó họ luôn phải tìm kiếm cho mình một ai đó và khiêu khích họ để tạo ra kẻ thù ở những nơi không có...”

Quan hệ Nga - NATO ngày càng căng thẳng trong những năm trở lại đây. Ảnh: ITN

“Ngày nay NATO là một công cụ trong chính sách đối ngoại của Washington. Họ không có đối tác mà chỉ có các chư hầu ở đó", ông Putin trả lời người dẫn chương trình Oliver Stone hồi tháng 6-2017.

Về Trung Đông

"Đang có một thế lực tìm cách định hình lại khu vực này và áp đặt mô hình phục vụ lợi ích riêng thông qua thay đổi chế độ hoặc sử dụng vũ lực. Thay vì đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan, một số thế lực ngang hàng với chúng tôi muốn sự hỗn loạn hiện diện ở đó vĩnh viễn”, ông Putin nói tại Hội nghị Valdai tháng 10-2017.

Về CHDCND Triều Tiên

"Tất nhiên chúng tôi lên án các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng và tuân thủ tất cả các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, để giải quyết cuộc khủng hoảng này cần có sự đối thoại, chứ không phải dồn họ vào đường cùng bằng những lời đe dọa.”, Tổng thống Putin nói hồi tháng 10-2017.

Tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong một vụ bắn thử. Ảnh: KCNA

Ông chủ Điện Kremlin cũng thêm rằng: “Dù quý vị có thích chính quyền Bình Nhưỡng hay không, quý vị buộc phải công nhận rằng Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền”.

Về chính biến lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich

"Những gì xảy ra ở Kiev là một cuộc tiếm quyền vi hiến, có vũ trang. Ông Viktor Yanukovich đã từ bỏ quyền lực và không còn cơ hội tái tranh cử. Tại sao Ukraine vẫn rơi vào hỗn loạn? Tại sao xảy ra biểu tình đòi quyền lực? Tôi tin rằng đó là những hành động khiến miền Đông nước này bất ổn”, ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 3-2014.

Cảnh tượng hỗn loạn tại Kiev trong những ngày chính biến ở Ukraine vào năm 2014. Ảnh: ITN

Về chính quyền Ukraine hiện tại

“Người dân Nga và Ukraine có chung rât nhiều lợi ích. Điều không giống nhau là mục đích của chính quyền Ukraine và giới tinh hoa… Họ chỉ có điểm mạnh duy nhất để xuất khẩu là sự kỳ thị Nga và sự chia rẽ chính trị giữa hai nước", ông Putin nói tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tháng 7-2017.

Về hệ thống chính trị Nga

“Các sự kiện diễn ra vào những năm 1990 đã đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới của Nga", ông Putin trả lời phỏng vấn của đạo diễn Oliver Stone tháng 6-2017.

Tổng thống Nga cho rằng, dù Nga đã trở thành một đất nước khác xưa, song Nga không thể ngay lập tức áp dụng mô hình giống như Mỹ, Đức hay Pháp mà cần phát triển một cách tự nhiên nhất và phù hợp với điều kiện của riêng mình.

Người Nga luôn hết mực tin tưởng chính sách của Tổng thống Putin. Ảnh: TASS

Vai trò của Nga trên trường quốc tế

“Nga là một đất nước với lịch sử nghìn năm và gần như luôn được hưởng đặc quyền từ chính sách đối ngoại của một quốc gia có chủ quyền.

Chúng tôi không có ý định thay đổi điều đó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ý thức được cách thức thế giới đã và đang thay đổi để có một nhìn nhận rất thực tế về tiềm lực và cơ hội của mình. Chúng tôi muốn tương tác với tất cả các đối tác độc lập, có trách nhiệm để cùng xây dựng một trật tự thế giới dân chủ, công bằng, đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho tất cả”, Tổng thống Putin phát biểu tại Munich tháng 2-2007.

Thiện Nhân
.
.
.