Xử lý các công trình đang sử dụng nhưng chưa đảm bảo an toàn PCCC

Thứ Hai, 08/07/2019, 16:47

Là ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018”, sáng 8-7.



Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ cho biết: Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng. 

Cháy nhà dân chiếm trên 40% tổng số vụ, nguyên nhân chủ yếu do không bảo đảm an toàn hệ thống điện (chiếm trên 57%) và do sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt (trên 29%). Số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm dưới 0,1% nhưng lại chiếm trên 76% tổng thiệt hại....

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi làm việc

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các bộ ngành, địa phương, công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy đã được triển khai đồng bộ, tích cực. Bộ Công an với vai trò nòng cốt đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, siết chặt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Lực lượng PCCC đã duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, số vụ cháy được dập tắt kịp thời không để xảy ra cháy lớn chiếm 99%; tổ chức hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Ước tính giá trị tài sản bảo vệ từ các vụ cháy là hơn 600.000 tỷ đồng. Đi đôi với công tác chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã trực tiếp thực hiện 8.300 vụ cứu nạn, cứu hộ, trực tiếp cứu được trên 4.600 người.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác PCCC: Tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC còn diễn ra khá phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, cơ sở chưa cao. Cơ sở hạ tầng về PCCC còn nhiều bất cập, mạng lưới Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn còn mỏng nên hạn chế đáng kể hiệu quả chữa cháy... 

Thứ trưởng Lê Quý Vương trình bày báo cáo

Về nguyên nhân, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, nhận thức của một bộ phận người dân còn xem nhẹ các biện pháp an toàn PCCC. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCCC chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện tượng “khoán trắng” cho lực lượng Công an còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức...

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát và đại diện lãnh đạo các bộ ngành đã phát biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo giám sát cũng như trao đổi thêm các nội dung để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC. Trong đó rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu công tác PCCC trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, người đứng đầu trong việc PCCC. Tập trung xây dựng lực lượng dân phòng để phát huy vai trò nòng cốt PCCC tại địa bàn cơ sở, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; duy trì công tác thường trực sẵn sàng PCCC. 

Đại diện tổ giúp việc của Đoàn giám sát trình bày báo cáo

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng về PCCC để nhân dân tự giác chấp hành; công khai phê phán các hành vi vi phạm về PCCC của cơ sở, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa.

“Hoàn thiện quy hoạch hạ tầng về PCCC; có phương án xử lý các công trình đang sử dụng nhưng chưa bảo đảm an toàn về PCCC, nhất là các công trình xây dựng”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao. 

“Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cầm xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng lưu ý. 

Toàn cảnh phiên họp

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đề nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng, bộ ngành để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC. Xây dựng lực lượng PCCC chính quy, tiến lên hiện đại, xây dựng các lực lượng bán chuyên trách, lực lượng PCCC tại chỗ nhằm tạo ra hiệu quả trong thực tế. Tập trung trang bị những phương tiện thiết thực cho chữa cháy...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; bổ sung thêm số liệu, đánh giá kỹ những tồn tại, bất cập hạn chế và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy, vấn đề kinh nghiệm, bài học rút ra từ các vụ cháy lớn. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục phối hợp hiệu quả với Đoàn giám sát của Quốc hội theo đúng tinh thần, kế hoạch đề ra.


Quỳnh Vinh
.
.
.