Bộ trưởng Tô Lâm: Bảo hiểm PCCC là phải phòng ngừa, không để xảy ra cháy

Thứ Hai, 20/05/2019, 18:22
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, người mua bảo hiểm PCCC cũng không muốn cơ sở của mình bị cháy. Do đó bên bán bảo hiểm phải tư vấn, giúp cho người mua làm sao phòng cháy, hoặc khi cháy được cấp cứu, chữa cháy kịp thời, không để chết người, hư hại tài sản. 

Chiều 20-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP và đảm bảo mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định CPTPP và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi Hiệp định CPTPP là cần thiết.

Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ, chiều 20-5

Sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Kinh doanh bảo hiểm có 9 chương và 131 điều (giữ nguyên số chương và tăng 2 điều so với Luật hiện hành). Trong đó bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm…

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc định, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và nhận thấy các quy định của dự thảo Luật như về phạm vi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và quy định xử lý đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh về cơ bản là phù hợp, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa để thực hiện cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Hiệp định CPTPP và Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14.

Về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (điểm b khoản 3 Điều 93a của Luật Kinh doanh bảo hiểm, được bổ sung theo khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật), dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và xác định đây là trách nhiệm trong quá trình hoạt động của chủ thể này.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, mục đích của quy định này theo Tờ trình của Chính phủ là để yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có biện pháp bảo đảm về tài chính trong quá trình hoạt động, từ đó góp phần bảo đảm tính an toàn của thị trường kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu dự thảo Luật chỉ yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì sẽ không bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của yêu cầu về bảo đảm tài chính của chủ thể kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức bảo hiểm rất thấp để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều nay

“Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Điều 93a một số quy định cụ thể về thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sở dĩ từ trước đến nay bảo hiểm của mình chưa được thành công lắm là do công tác tuyên truyền, người dân chưa ủng hộ. Có những loại bảo hiểm rất văn minh thì trở thành bắt buộc, gò ép.

 “Ví dụ bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm y tế rất văn minh. Người mua bảo hiểm không muốn bị ốm để vào bệnh viện tiêu tiền bảo hiểm; người bán bảo hiểm cũng không muốn người mua bảo hiểm bệnh nặng, chết sớm vì phải chi trả nhiều, hoặc hết nguồn bảo hiểm. Rõ ràng tất cả các mục tiêu đều gặp nhau”, Bộ trưởng nói.

Một khía cạnh văn minh khác là khi đóng bảo hiểm thì người lúc khoẻ lo cho lúc yếu, người giàu lo cho người nghèo, cả xã hội tập trung lo cho nhau, tính xã hội chủ nghĩa rất lớn. Tuy nhiên việc tuyên truyền rất ít nên nhận thức chung về bảo hiểm đang có khó khăn.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ở nhiều nước bảo hiểm phải đưa được vào trong phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng bệnh, chữa bệnh. Các công ty bảo hiểm có máy bay trực thăng, cấp cứu người bệnh rất kịp thời. Bảo hiểm bắt buộc người bệnh phải đi khám bệnh định kỳ, trang thiết bị cho bệnh viện ngày càng tốt hơn để bệnh viện có nhiều bệnh nhân, thậm chí bảo hiểm trả lương cho cả bác sỹ thì đỡ nhiều cho ngân sách nhà nước.

Còn ở mình, ngân sách nhà nước nói hạn chế đầu tư mà phải xã hội hoá cao. “Vậy xã hội hoá ở nguồn nào thì không chỉ ra được. Chẳng nhẽ vận động doanh nghiệp đóng góp? Họ đã đóng bảo hiểm rồi bây giờ đóng quỹ PCCC nữa thì không ổn. Chúng tôi muốn sử dụng tiền bảo hiểm này cho PCCC, như làm cầu thang để không cháy nổ thì không được… Bảo hiểm phải làm sao phòng, không để xảy ra cháy, chứ chờ cháy rồi đền bù thì không đúng mục tiêu”, Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, người mua bảo hiểm PCCC cũng không muốn cơ sở của mình bị cháy. Do đó bên bán bảo hiểm phải tư vấn, giúp cho người mua làm sao phòng cháy, hoặc khi cháy được cấp cứu, chữa cháy kịp thời, không để chết người, hư hại tài sản. Chứ chỉ là một loại phí mà khi xảy ra vấn đề gì công ty bảo hiểm mới mang ra sử dụng thì không hợp lý lắm…


Bảo Quân
.
.
.