Tuân theo thị trường là điểm cách mạng trong xây dựng Luật Quy hoạch
- Không được phép quan liêu trong câu chuyện quy hoạch
- Khủng hoảng thừa đàn heo, yếu từ quy hoạch đến dự báo
- Người dân Cồn Hến khổ vì quy hoạch “treo”
- Khổ vì quy hoạch treo (!)
- Cần xác định quy hoạch là đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế
Thông thường, sau khi các ĐBQH góp ý, đại diện cơ quan soạn thảo sẽ đứng lên giải trình về những ý kiến ĐB còn thắc mắc; tuy nhiên, đứng lên giải trình lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nhiều về tính “ưu việt” của Luật hơn là giải trình.
Đánh giá về những tác động “nổi bật” luật mang lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một bước cải cách về thể chế để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay về quy hoạch.
“Hiện ta có 95 hệ thống luật pháp luật liên quan đến quy hoạch với hơn 19.200 bản quy hoạch đã được ban hành. Đây là lần đầu tiên chúng ta mạnh dạn cải cách để có sự thống nhất; mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước - trước thiên về mục tiêu quản lý, giờ vừa đảm bảo quản lý vừa đảm bảo kiến tạo, phát triển, phục vụ phát triển. Đây thực sự là công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng, khai thác các nguồn lực quốc gia. Chúng ta đã từng sử dụng chủ yếu là nguồn lực nhà nước, nay tổ chức lại để huy động các nguồn lực khác: tư nhân, nước ngoài... vào đầu tư, phát triển” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận sáng 26-5 |
Thêm vào đó, ông Dũng cho rằng dự luật đã “tuân theo nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa một cách hiệu quả, là động lực để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thông qua đây huy động được đầu tư từ xã hội, gián tiếp giảm áp lực nợ công; tăng cường liên kết phát triển vùng, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương”.
“Lần này chúng ta cũng mạnh dạn đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, đảm bảo tính nhất quán; khắc phục chia cắt, cục bộ giữa các bộ, ngành, địa phương; tránh xung đột lợi ích và mâu thuẫn, chồng chéo trong phát triển nhưng vẫn đảm bảo quản lý các ngành trong lập quy hoạch và quản lý quy hoạch”.
“Dự luật cũng thiết lập cơ chế cung cấp thông tin về quy hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch trong tiếp cận thông tin để giám sát trong thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, luật giúp khắc phục được tình trạng xin - cho, tùy tiện trong điều chỉnh các quy hoạch, khi ta bãi bỏ được một số quy hoạch ngành, toàn bộ quy hoạch về sản phẩm, đảm bảo quyền của người dân và DN trong tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm theo Hiến pháp 2013” – Bộ trưởng lưu ý.
“Nhiều ĐB cũng đặt vấn đề, nếu bỏ quy hoạch sản phẩm thì quản lý lĩnh vực này thế nào? (Tôi xin thưa) hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhà nước sẽ chỉ đảm bảo nhiệm vụ cung cấp thông tin dự báo, phân tích, đánh giá thị trường, định hướng cho người dân và DN. Quyết định đầu tư là của nhà đầu tư, theo quy hoạch ta đã đề ra. Ta không thể định lượng sản phẩm này bao nhiêu, sản phẩm kia bao nhiêu. Thị trường sẽ quyết định việc đó. Đây là điểm mới, cách mạng trong tư tưởng làm luật quy hoạch lần này”. Đáng chú ý hơn, Bộ trưởng "trích ý kiến báo chí nêu rằng: “Các quy hoạch ngành, sản phẩm được lập ra nhân danh quản lý nhà nước nhưng sự thật là mảnh đất để tạo cơ chế xin-cho, tham nhũng, hạn chế quyền kinh doanh của dân chúng”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm: Việc ban hành luật lần này hiện có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng ta chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch 2021 -2030. Nếu chậm lại sẽ lỡ đi cơ hội cho quá trình phát triển 10 năm tới đây.
Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là một hình thức mới mà Bộ đang nghiên cứu. “Khi chưa định hình được nội dung liên quan đến hình thái này, chúng tôi kiến nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo. Cụ thể thế nào khi có luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chúng tôi sẽ làm rõ và bổ sung cụ thể”.
Về quan ngại của các đại biểu khi ban hành luật này sẽ phải sửa 32 luật khác có liên quan (có thể còn nhiều hơn), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chính phủ chia các quy hoạch đã được duyệt làm 2 loại: Với loại quy hoạch được xác định là phù hợp thì sẽ thực hiện hết thời kỳ quy hoạch; loại không phù hợp thì phải được điều chỉnh theo quy định của luật quy hoạch mới. Với quy hoạch chưa được phê duyệt thì phải phê duyệt theo luật quy hoạch lần này và phải hoàn thành trước 31/12/2020. Các quy hoạch được tích hợp phải thực hiện hết 31/12/2020 – đúng theo thời kỳ quy hoạch, để chuyển sang luật mới.
Quy hoạch không được tích hợp vào luật lần này sẽ hết hiệu lực ngay từ 1/1/2019- khi luật có hiệu lực, đó là một số quy hoạch ngành và toàn bộ quy hoạch sản phẩm.
Về tính khả thi trong việc sửa 32 luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết một số luật Chính phủ sẽ đưa vào dự án Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư – kinh doanh - dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 6 này. Các luật còn lại sẽ sửa trong luật sửa các điều khoản liên quan về quy hoạch mới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chỉ có 4 luật phải sửa nhiều cho đồng bộ với luật này như Luật Xây dựng, Luật Đất đai... còn lại các luật khác chỉ phải sửa vài ba điều.