Gặp những người giành kỷ lục trong hiến máu cứu người

Thứ Ba, 14/06/2016, 17:42
Chiều 14-6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) đã tổ chức Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2016. 


Đây là 100 tấm gương điển hình của lòng nhân ái, sự sẻ chia sâu sắc của họ với người bệnh, đồng thời cũng là dịp để cộng đồng xã hội và người bệnh thể hiện sự tri ân đối với nghĩa cử nhân ái cao đẹp của những người hiến máu tình nguyện.

Chia sẻ giọt máu yêu thương cho người bệnh đã trở thành lẽ sống của rất nhiều người, trong đó có 100 người tiêu biểu được tôn vinh tại buổi lễ hôm nay. Đây là lần thứ hai anh Nguyễn Hữu Thuận ra Hà Nội dự lễ tôn vinh, nhưng lần này là một kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh bởi anh được xác nhận kỷ lục người hiến máu nhiều nhất Việt Nam.

Anh Nguyễn Hữu Thuận đã 84 lần hiến máu tình nguyện.

Tâm sự với chúng tôi, anh Thuận cho biết, mình hiến máu chỉ có một mục đích là cứu người. Năm nay 43 tuổi nhưng anh Thuận đã 84 lần hiến máu tình nguyện – một con số quả rất đáng khâm phục. Năm 2010, anh lập kỷ lục người hiến máu nhiều nhất Việt Nam

Kể với chúng tôi, anh Thuận cho biết, mình đang công tác tại Đội Quản lý trật tự đô thị quận I, TP Hồ Chí Minh. Lần hiến máu đầu tiên của anh là vào năm 19 tuổi. Khi ấy, một người quen của anh phải phẫu thuật tim gấp, nhận được đề nghị xin máu, anh đã đồng ý mà không ngần ngại.

“Ngày còn nhỏ, một lần tình cờ vào Bệnh viện Nhi đồng II thăm em gái bị sốt xuất huyết, tôi đã gặp một bà mẹ trên tay bế đứa con nhỏ đi xin máu nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Đứa bé sau đó đã mất trên tay mẹ. Điều này làm tôi ám ảnh nên khi anh Nguyễn Mạnh Lăng xin máu, tôi đã cho ngay. Anh Lăng sau khi mổ tim đã sống được 20 năm thì mất” – anh Thuận nhớ lại.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Bản thân tôi làm ngành y, nên việc hiến máu cứu người với tôi rất có ý nghĩa. Tôi đã 15 lần hiến máu, vận động được 1.500 người hiến máu. Các anh chị, con cháu trong gia đình tôi đã 45 lần hiến máu”. Ở Cam Ranh, gia đình chị Dung đã trở thành “gia đình máu sống” của tỉnh Khánh Hòa.

Những người hiến máu tiêu biểu giao lưu trên sân khấu.

Cũng giống anh Thuận, chị Dung, 100 đại biểu tham dự lễ tôn vinh đến từ 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành Trung ương đều có trái tim nhân ái cao cả, đã đóng góp đặc biệt cho công tác hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Ngoài anh Thuận, rất nhiều người hiến máu trên 60 lần như anh Tạ Minh Đạt (71 lần), anh Nguyễn Trung Tuấn, Đại đức Thích Thiện Anh (63 lần), anh Phạm Văn Thành, Trương Văn Tài (62 lần)…

Người nhiều tuổi nhất (63 tuổi) là ông Nguyễn Văn Hùng (Tây Ninh) đại diện gia đình 76 lần hiến máu, bản thân có 24 lần hiến máu và vận động gần 100 người khác cùng hiến máu. Người trẻ tuổi nhất là chị Trương Thị Hồ Thuyên (20 tuổi), đại diện gia đình 15 lần hiến máu, bản thân chị có 4 lần hiến máu và vận động được nhiều người khác cùng hiến máu.

Trao bằng khen cho những người hiến máu tiêu biểu.

Người phụ nữ hiến máu nhiều nhất là chị Nguyễn Thị Mỹ Hương Thủy ở TP Hồ Chí Minh (61 lần); chị Nguyễn Thị Hà Em ở Kiên Giang (40 lần). Có 11 người là đại diện cho gia đình hiến máu tiêu biểu, trong đó anh Lê Văn Ao (An Giang) là đại diện cho gia đình có 74 lần hiến máu, bản thân anh Ao đã có 32 lần hiến máu; gia đình anh Nguyễn Hữu Thành ở Đà Nẵng đã 60 lần hiến máu, riêng anh Thành đã 34 lần hiến máu…

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thì năm 2015 cả nước đã tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu, trong đó có đến 97% là hiến máu tình nguyện. Qua hơn 20 năm lượng máu tiếp nhận tăng trên 8 lần. Hưởng ứng Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu năm nay, Tất cả 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh lần này là 100 bông hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất trong vườn hoa nhân ái Việt Nam.

Trong sáng 14-6, đoàn 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc đã làm lễ báo công dâng Bác và Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 100 người hiến máu tiêu biểu.

Trần Hằng
.
.
.