Tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Chiều 28-3, Hội nghị Tọa đàm lấy ý kiến về một số dự thảo Luật được dư luận quan tâm tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN).
- Lấy ý kiến về một số dự thảo Luật được dư luận quan tâm
- Lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
- Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Theo Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, dự thảo Luật Bảo vệ BMNN được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp tu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, phát biểu đề dẫn về lấy ý kiến dự thảo Luật bảo vệ BMNN. |
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và bảo đảm tính khả thi khi ban hành, Thường trực UBQPAN tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý đối với dự thảo Luật này.
Về dự thảo Luật này, đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Phương Tuấn, đại diện Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cơ bản nhất trí với hầu hết nội dung dự thảo Luật, nhưng ông cũng có nêu một số ý kiến như không nên dùng từ “Nếu”, “Có thể” trong câu chữ của Luật, vì như thế có thể khiến người đọc hiểu là Luật cũng chưa chắc chắn, chưa chính xác (ở Điều 2, Điều 11).
Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục C50, đóng góp ý kiến. |
Trong khi đó, Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục C50 - Bộ Công an, cũng cho biết, C50 cũng đã có một số ý kiến đóng góp thiết thực để Ban soạn thảo Luật nghiên cứu, xem xét bổ sung, chẳng hạn như tại Điều 3, Khoản 5 Điểm C, Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho rằng để đảm bảo bao quát tất cả các trang web cung cấp thông tin trên mạng internet đều được quản lý, điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng, cần sửa đổi “báo điện tử” thành “trang thông tin điện tử” vì quy định báo điện tử thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật. Điều đó dẫn tới nhiều website cung cấp thông tin mà không phải báo điện tử thì không bị quản lý bởi Luật này. Hay ở Điều 9, Khoản 1, Điểm H cũng cần sửa đổi “Thông tin thẻ tín dụng” thành “Thông tin tài chính, thông tin cá nhân”. Bởi hiện nay, ngoài thông tin thẻ tín dụng, người dùng còn có nhiều tài khoản tài chính khác như tài khoản internet banking, các tài khoản ví trực tuyến… mà khi bị chiếm đoạt dẫn đến thiệt hại.
Ngoài ra, các thông tin cá nhân của người dùng bị khai thác trái phép cũng gây nhiều nguy cơ về an toàn. Ở Khoản 2 của Điều 9 cũng nên bổ sung hành vi “Trộm cắp thông tin” vào các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật này vì trong toàn bộ Điều 9 chưa có nội dung này.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ - nêu nhiều ý kiến. |
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ - nêu nhiều ý kiến, trong đó ở Điều 24 của dự thảo Luật cần cân nhắc việc giải mật và gia hạn việc bảo mật, đồng thời, với trình tự gia hạn bí mật và quy định giải mật thì cần thể hiện rõ cái nào thể hiện trước cái nào thể hiện sau. Ngoài ra, cũng cần giải thích rõ từ đầu thuật ngữ “Tự giải mật” vì bản thân tài liệu không tự giải mật được. Về tiêu hủy vật chứa bí mật, cần quy định rõ nhóm rõ đối tượng để quy định về thẩm quyền và phương thức tổ chức thực hiện.
Đại diện Cục An ninh quân đội, Bộ Quốc phòng, với chức năng của mình cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Trong đó, nêu rõ tại Điều 19 - Cung cấp, chuyển giao BMNN cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động trong hợp tác với các tổ chức nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Để có cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên trong công tác bảo vệ bí mật, đề nghị Luật Bảo vệ BMNN nên quy định về mặt chủ trương: Đối với lĩnh vực, nhiệm vụ hợp tác quan trọng với các cơ quan, tổ chức của nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy xây dựng thỏa thuận về bảo mật thông tin trong quá trình hợp tác giữa cơ quan, tổ chức của Việt Nam với cơ quan, tổ chức của nước ngoài.
Tại Khoản 4, Điều 12, về danh mục BMNN, đối với nội dung quy định về trình tự thủ tục Hồ sơ gửi Bộ Công an, thời gian trả lời của Bộ Công an…, đề nghị nghiên cứu đưa vào Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ BMNN của Chính phủ, tương tự như các Điều 16, Điều 17. Bởi vì, quy định vấn đề này cụ thể trong Luật không cần thiết, mặt khác nếu quy định như vậy thì vẫn còn thiếu về trình tự thủ tục hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định Danh mục BMNN.
Đề nghị nghiên cứu có quy định về việc thay đổi Danh mục BMNN khi các cơ quan, đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, để đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong công tác Bảo vệ BMNN.
Tại Khoản 3, Điều 25 về Tăng độ mật, giảm độ mật, quy định “Việc tăng độ mật, giảm độ mật phải căn cứ vào danh mục BMNN”. Tuy nhiên trên thực tế, việc tăng độ mật, giảm độ mật không chỉ căn cứ vào danh mục BMNN mà còn phải căn cứ vào các yếu tố quan trọng khác để xác định như: Nội dung, tính cấp thiết của tài liệu; mức độ tác hại nếu tài liệu bị lộ; phạm vi và mức độ phổ biến của tài liệu. Đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung…
Thượng tướng Võ Trọng Việt tiếp thu những ý kiến của các đại biểu về hai dự thảo Luật. |
Kết thúc ngày làm việc, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã tiếp thu những ý kiến của các đại biểu đóng góp cho các dự thảo Luật An ninh mạng và Bảo vệ BMNN để Thường trực UBQPAN và Ban soạn thảo dự thảo hai Luật này nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua.
Ngày mai 29-3, Hội nghị Tọa đàm tiếp tục lấy ý kiến về hai dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Quốc phòng (sửa đổi).