Thủ tướng kỳ vọng sâm Ngọc Linh mang lại giá trị tỷ USD thập niên tới

Thứ Năm, 06/09/2018, 15:59
Kỳ vọng vào việc phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh, Thủ tướng mong muốn lợi ích mà ngành công nghiệp này mang lại là tỷ USD trong thập niên tới.

Sáng 6-9, tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu.

Sự kiện này cũng là cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, nhằm đánh giá về thực trạng, tiềm năng, định hướng và chính sách phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác của nước ta.  

Nước ta hiện có 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm của thế giới, chứa nhiều hợp chất nổi trội hơn so với nhiều loại sâm khác trên thế giới. Tỉnh Kon Tum đã có quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh từ năm 2020 - 2025 và hiện đã có khoảng 400ha sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng kỳ vọng sâm Ngọc Linh mang lại giá trị tỷ USD thập niên tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, một đơn vị chủ lực trong trồng cây giống và phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, đề nghị, phải xử lý nghiêm tình trạng giống và củ sâm Ngọc Linh giả.

Ông Trần Hoàn cho biết, hiện nay, sâm Ngọc Linh vì khan hiếm nên bị đẩy giá lên quá cao. Giá giao dịch từ 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/kg. Chính vì vậy, sâm Ngọc Linh đang bị làm giả. Một số cá nhân và doanh nghiệp đang sử dụng hạt giống có hình dạng giống với sâm Ngọc Linh vào vùng Kon Tum và Quảng Nam để bán cho người dân đang có nhu cầu mua cây giống để trồng. 

Điều này mang đến một nguy cơ rất lớn của vùng sâm gốc của núi Ngọc Linh, khi những người dân không biết mua phải hạt giống không đúng, trồng vào vùng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, sẽ khiến cây sâm Ngọc Linh gốc bị lai tạp dần dần và sẽ bị mất nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh đặc hữu chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì cho rằng, đến nay, các chính sách phát triển cây dược liệu đã đầy đủ, vấn đề còn lại là triển khai thực hiện. Đối với sâm Ngọc Linh, Bộ trưởng cho rằng, cần đẩy mạnh chế biến để tất cả mọi người dân trong nước đều được sử dụng thay vì chỉ người giàu. Nếu có nhiều sản phẩm đạt chất lượng, Bộ Y tế có thể đưa vào danh mục thuốc hưởng bảo hiểm y tế. 

"Vấn đề chính và là mong muốn của chúng tôi là trồng thật nhiều và đa dạng hóa sản phẩm cho người giàu có, người trung bình và cả người nghèo cũng được thụ hưởng. Gồm sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các sản phẩm nâng cao sức khỏe. Bây giờ không đòi hỏi chính sách nữa, mà cần trồng thật nhiều, sản xuất thật nhiều, quảng bá, tiếp thị sản phẩm thật nhiều", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ý kiến.

Thủ tướng kết luận Hội nghị.

Kết luận hội nghị, thể hiện sự tâm huyết đối với phát triển ngành dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những tinh hoa mà trời đất ban tặng cho quốc gia có ¾ diện tích rừng núi như nước ta, nơi đã sinh ra các danh y nổi tiếng thế giới như Tuệ Tĩnh, như Hải Thượng Lãn Ông. 

Do đó, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên các tinh hoa đó là trách nhiệm lịch sử, là sự khẳng định bản sắc và tinh thần dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá, trong đó có ngành dược liệu.  

Theo Thủ tướng, đó là niềm tự hào dân tộc của chúng ta, khi từ tinh hoa của đất mẹ có thể tìm ra những sản phẩm phục vụ phát triển con người, được sự tin dùng của quốc tế bởi những giá trị độc đáo, hứa hẹn đem đến cho chúng ta lợi thế cạnh tranh về chất lượng so sánh với cả những nước mà trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. Điều này là vô cùng đặc biệt, vừa là thách thức, đồng thời cũng là niềm cảm hứng kiến tạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

"Chúng ta đừng để mai một", là thông điệp đầu tiên của Thủ tướng muốn chuyển tải đến Kon Tum, đến tỉnh Quảng Nam, các tỉnh Tây Nguyên và nhiều địa phương khác, đồng thời cũng là thông điệp đầy tự hào dành cho ngành dược liệu toàn quốc với tất cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan này. 

Nhấn mạnh giá trị quý của sâm Ngọc Linh, cả cho lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe lẫn giá trị kinh tế, Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh như Hàn Quốc đã làm với nhân sâm. 

Nêu lên các giá trị dinh dưỡng và hợp chất quý trong sâm Ngọc Linh, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lý do Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” Sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc.

Nêu kinh nghiệm của Hàn Quốc đã phát triển hàng trăm sản phẩm khác nhau từ nhân sâm, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp chế biến hưởng ứng chủ trương mạnh mẽ của Chính phủ, đẩy mạnh phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, một “quốc bảo” với các lợi thế vượt trội để cạnh tranh với các dược phẩm & thực phẩm chức năng của các nước phát triển.  

"Nếu kết hợp với đẳng sâm cùng với các siêu dược liệu ở các vùng, miền khác như nấm lim xanh, các loại sâm núi ở Hoàng Liên Sơn, ở Nghệ An, các loài dược liệu quý ở Tây Nguyên, Tây Bắc... chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một ngành dược liệu hết sức phong phú, đủ quy mô để cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu nếu biết gìn giữ, bảo tồn, phát triển, đồng thời biết bào chế, phát triển sản phẩm một cách thông minh và phù hợp với xu thế tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước tiên tiến. 

Rõ ràng, bài toán lớn đặc ra là làm sao cộng hưởng những tinh hoa trời đất ban tặng này nhằm tạo ra những "đột phá chiến lược" trong việc bồi bổ sức khỏe, điều trị các bệnh nan y mà nhân loại đang gặp phải, từ đó đưa ngành dược liệu và thực phẩm chức năng của Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu một cách chủ động và tự tin", Thủ tướng nêu rõ.

Kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp trông và chế biến sâm Ngọc Linh để mang lại lợi ích tỷ USD thập niên tới, Thủ tướng cho rằng cần có bước đi bài bản, không để cho từng địa phương như Kon Tum, Quảng Nam triển khai manh mún hoặc “tự bơi”. 

Thủ tướng yêu cầu xây dựng một chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như sâm Ngọc Linh.

Theo đó, cùng với bảo tồn để phát triển có chiều sâu, đạt giá trị cao hơn, Thủ tướng yêu cầu xây dựng một chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như sâm Ngọc Linh, đưa sâm Ngọc Linh đến với những nước phát triển như G7, G20.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, phổ biến hóa nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của sâm Ngọc Linh mà cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp.

Tán thành với các đại biểu tại hội nghị về việc xây dựng thương hiệu và tốt công tác bảo hộ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường trong và ngoài nước, Thủ tướng nhấn mạnh, sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một số sản phẩm cụ thể. Do đó, Thủ tướng yêu cầu một số bộ, ngành chức năng đề xuất chiến lược về việc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển Sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến các sản phẩm, khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh. 

Đồng thời không nên ngần ngại, khi có cơ hội thì liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng các điều kiện, những nền tảng sẵn có về nghiên cứu và phát triển, về marketing, về quản trị và thị trường để đi tắt ra thị trường cao cấp, qua đó tạo ra sức lan tỏa nhanh chóng về thương hiệu sâm Ngọc Linh, tạo cú hích cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh trong nước. Phải xây dựng bằng được những doanh nghiệp hạt nhân, có đủ tiềm lực và sức mạnh để trở thành những nhà tiên phong, đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh, với các chủng loại sản phẩm phong phú có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm tương tự của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đang hiện diện rất lớn trên sân nhà, đồng thời phải từng bước vững chắc vươn ra thị trường quốc tế.

Với tiềm năng lớn của sâm Ngọc Linh, Thủ tướng cho rằng, chính sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra một đòn bẩy du lịch và một sức mạnh truyền thông mới, đưa hai địa danh Quảng Nam, Kon Tum được quốc tế biết đến nhiều hơn nữa về một Việt Nam vẫn còn ẩn chứa những giá trị to lớn, cần được khám phá. Sâm Ngọc Linh của ngành dược liệu Việt Nam cũng ví như một Sơn Đòong của ngành du lịch cả nước. Thủ tướng đánh giá, sự thành công của sâm Ngọc Linh sẽ tạo tiếng vang lớn, mở đường cho nhiều nghiên cứu mới, tầm cỡ quốc tế về tiềm năng dược liệu Việt Nam nói chung. 

Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Kon Tum thời gian qua đã có nhiều biện pháp phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời cho rằng, Kon Tum muốn đánh thức tiềm năng dược liệu giàu và giá trị của mình thì cần chủ động phát triển vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên.

Đồng ý cho Kon Tum thực hiện thí điểm sử dụng môi trường rừng, đất dưới tán rừng để trồng dược liệu, tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm nghiêm ngặt việc duy trì, bảo vệ môi trường rừng; vừa có dược liệu vừa phải bảo vệ được rừng.

Theo VOV
.
.
.