Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm"

Thứ Tư, 15/08/2018, 17:52

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể I Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 diễn ra sáng 15-8 với chủ đề "Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Ngoại giao kiến tạo quyết liệt hành động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại. Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao đã triển khai ngoại giao kiến tạo, đạt nhiều kết quả tốt. 

Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và toàn bộ nhóm G7, 13/20 nước G20. "Chúng ta đã tạo dựng được sự đan xen lợi ích song phương giữa Việt Nam và các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, giúp chúng ta tranh thủ được các nguồn lực quốc tế to lớn cho phát triển. Đan xen lợi ích giữa kinh tế với các vấn đề chính trị, an ninh đã giúp chúng ta hóa giải nhiều vướng mắc trong các quan hệ bằng cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt hơn. 

Chúng ta chủ động can dự thúc đẩy được "điểm đồng lợi ích" với các đối tác, giảm bất đồng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, cùng có lợi, nhất là trong bối cảnh các nước lớn điều chỉnh mạnh về chính sách", Thủ tướng nêu rõ. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, ngành ngoại giao đã quyết liệt hành động, góp phần mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước. 

Doanh nghiệp và địa phương đang trở thành trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Theo Thủ tướng, đây cũng là điểm mới tại Hội nghị lần này khi mời nhiều lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp tham dự. Đồng thời, mạng lưới cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã cảm nhận trực tiếp hơi thở của thời đại, nhịp đập của địa bàn, kịp thời báo cáo về những biến động kinh tế chính trị của thế giới, nước đối tác để giúp Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội.

Song, bên cạnh những thành tựu mà ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong hoạt động ngoại giao. 

Cụ thể, vị thế địa chiến lược của Việt Nam chưa được khai thác tối đa, công tác nghiên cứu và dự báo đôi lúc còn bị động, chưa lường hết được một số biến động của khu vực và điều chỉnh chính sách của một số nước, chưa có nhiều đề xuất, sáng kiến mang tính chất đột phá đổi mới cho đất nước, cho Bộ Ngoại giao, phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại đôi khi còn rời rạc, chưa thực sự chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nỗ lực đổi mới ngoại giao kiến tạo phục vụ địa phương, người dân, doanh nghiệp mới là bước đầu, chưa tạo dựng được nền tảng vững chắc, lâu dài.

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh VGP

Củng cố vị thế chiến lược của Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển động nhanh, nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng nhấn mạnh công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: "Dĩ bất biến, Ứng vạn biến". 

Thủ tướng cho rằng những nhà ngoại giao tài năng nhất chính là những người biết truyền cảm hứng sâu sắc, những người kể chuyện xuất sắc nhất cho bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam, về lòng yêu chuộng hòa bình và những quyết tâm, các quyết sách làm kim chỉ nam con đường chúng ta đi. 

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu công tác đối ngoại phải phát huy, tạo lập và củng cố vị thế chiến lược của Việt Nam, coi đây là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ, những nhân tố vững chắc cho nguồn lực quốc gia.

Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị năm nay đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới tính đi trước một nhịp để làm rất tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ ngành. 

"Sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là trong thế giới đang biến động rất nhanh chóng. Chính vì vậy, ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy, để cung cấp những quan điểm, cách tiếp cận, giải pháp mới, không sa vào lối mòn", Thủ tướng khẳng định. 

"Khi thực tiễn có biến đổi chưa có tiền lệ thì Chính phủ cũng sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ. Chúng ta phải sáng tạo vận dụng", Thủ tướng nói. Thủ tướng cho rằng, công tác đối ngoại cần phát huy tinh thần hành động, phục vụ cho phát triển; phải chuyển hóa mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế phục vụ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. 

Cần phát huy quan hệ tương tác cá nhân giữa các đại sứ với các nhà lãnh đạo các nước. Năng động trong đối ngoại đa phương với tâm thế tự tin, đàng hoàng hơn. Tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực với hợp tác kinh tế là trọng tâm.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh VGP

Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Đây là một quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới cần quán triệt. Ngành ngoại giao cần tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá phát triển thương mại, thu hút ODA, du lịch, kiều hối, phát triển thị trường lao động để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số công nghệ cao, thông minh. 

Thủ tướng đề nghị các đại sứ cần mở hướng mới, vận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp, vận động kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ xây dựng đất nước một cách thiết thực nhất, đặc biệt là phân phối hàng hóa của Việt Nam; cần xây dựng tiêu chí về sự hài lòng của doanh nghiệp để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Thủ tướng không quên nhắc nhở công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của quan trọng, lâu dài, thường xuyên và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. "Năm 2017 có 4.000 phóng viên nước ngoài vào đưa tin, viết bài về Việt Nam. Đây là kênh quan trọng để quảng bá tiềm năng, đất nước con người Việt Nam ra thế giới", Thủ tướng nói. 

Do đó, Bộ Ngoại giao cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tạo sức mạnh tổng lực phục vụ phát triển đất nước. Để triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ kiến tạo, ngành ngoại giao cần chú trọng các yếu tố. Đầu tiên là yếu tố con người, cần có phương thức tốt, cách làm tốt, áp dụng công nghệ tốt, kỹ năng hiện đại, ngoại giao công chúng, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp. Làm tốt công tác thông tin, tham mưu dự báo, lưu trữ, phân tích. 

Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định, ngoại giao kinh tế vẫn là chính, quan điểm này cần thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá tổng lãnh sự, đại sứ quán. Cần làm tốt việc thu thập thông tin, chính xác, kịp thời, liên tục. Song hành, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tham mưu, đề xuất, tháo gỡ vướng mắc. 

Hoạt động của sứ quán không chỉ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ các địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước để phát triển kinh tế bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cần làm tốt nhiệm vụ ngoại giao chính trị một cách nhuần nhuyễn, từ đó làm tốt ngoại giao kinh tế. Nhấn mạnh việc làm tốt việc thu nhận trí tuệ thế giới về Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, Bộ Ngoại giao phải là một anten nhạy cảm để thu hút người tài, người có đầu óc khoa học vào Việt Nam, nhất là bà con Việt kiều tài năng.

Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể I Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 diễn ra sáng 15-8 với chủ đề "Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng", các đại biểu tham dự đã lắng nghe các tham luận do Thứ trưởng thưởng trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các Bộ, Đại sứ Việt Nam tại một số nước cùng đại diện một số tỉnh thành phố và doanh nghiệp trình bày. 

Các tham luận không chỉ nêu bật cách thức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hội nhập quốc tế, mà còn đề ra các giải pháp giúp khai thác hiệu quả các mối quan hệ quốc tế phục vụ quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Trong ngày 16-8, Hội nghị sẽ tiến hành Phiên toàn thể II với chủ đề "Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng".

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.