Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao

Thứ Hai, 13/08/2018, 14:38
"Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, phải luôn lấy lợi ích quốc gia, chế độ làm kim chỉ nam cho hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng đằng sau mình là Đảng, là đất nước và nhân dân", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao Toàn quốc lần thứ 30.


Sáng ngày 13-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường Trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Bộ Công an Thượng tướng Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. 

Đến dự Hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương, các nguyên lãnh đạo, cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng hơn 300 lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Công tác đối ngoại trở thành điểm sáng

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ sau Đại hội XII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều vấn đề mới nảy sinh khó khăn hơn trước; mục tiêu và yêu cầu đối với công tác đối ngoại cũng cao hơn trước. 

Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước, đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ  nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.

Song, Tổng Bí thư lưu ý tuyệt nhiên không tự mãn với những kết quả đã đạt được bởi trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. "Tôi đề nghị các đồng chí kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những thành tựu kể trên để xem chúng ta đáng lẽ có thể đạt kết quả nhiều hơn không, tốt hơn không? Có bỏ lỡ hoặc không tận dụng triệt để cơ hội nào không?"

"Trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những "điểm nghẽn" nào cần tháo gỡ hoặc khâu "đột phá" nào cần mở ra?Các khuôn khổ quan hệ đã ký kết có tạo được hiệu quả tương xứng với tên gọi hay còn mang nặng tính hình thức? Có giúp xử lý một cách hiệu quả các vấn đề phát sinh, tăng cường xây dựng lòng tin không?", Tổng Bí thư đặt nhiều câu hỏi lớn cho các cán bộ ngoại giao.

Cần kiên định mục tiêu, chân thành, khiêm tốn

Theo Tổng Bí thư, sau hơn 30 năm đổi mới, chưa bao giờ Việt Nam có thế và lực như hiện nay trên tất cả các mặt. Đây là nền tảng căn bản, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đối ngoại của nước ta trước một thế giới đầy biến động. 

Việt Nam còn có những thế mạnh mà nhiều quốc gia khác không dễ gì có được, đó là lòng yêu chuộng hòa bình chính nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần hòa hiếu và trách nhiệm trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đang ngày càng nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của các quốc gia và tổ chức trên thế giới. 

Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục bám sát nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, coi đây là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới. 

Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cùng Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương chụp ảnh lưu niệm.

Cũng tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới, bao gồm việc đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam; tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tư chủ; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ các nước láng giềng và nước lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả.

"Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết trong khu vực", Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phải đẩy mạnh tư duy đổi mới, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, dám nghĩ dám làm để có hành động và suy nghĩ đạt tầm quốc tế. "Tuy nhiên, đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn", Tổng Bí thư nêu rõ.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu ngành Ngoại giao cần tiếp tục triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế; coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; nâng cao hiệu quả phối giữa Bộ, ban, ngành, địa phương; nhất là Bộ Ngoại giao và quốc phòng, an ninh trong công tác đối ngoại; cuối cùng là yêu cầu đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ bởi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc".

"Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, phải luôn lấy lợi ích quốc gia, chế độ làm kim chỉ nam cho hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng đằng sau mình là Đảng, là đất nước và nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo", Tổng Bí thư khẳng định. 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đọc báo cáo điểm lại tình hình thế giới và khu vực, kết quả công tác đối ngoại kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đến nay. 

Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phát biểu tham luận, đánh giá tình hình thế giới, khu vực; nêu bật những thành tựu đạt được từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, công tác phối hợp giữa ngành Ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại; đồng thời đề ra phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới. 

Kéo dài từ ngày 13 đến 17-8, Hội nghị Ngoại giao Toàn quốc lần thứ 30 sẽ bao gồm hai phiên toàn thể: "Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng" và "Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng".

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.