So với 2 sân bay hiện đại nhất, vốn đầu tư Long Thành 16 tỷ USD cần xem xét

Thứ Ba, 12/11/2019, 09:33
“Sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc), diện tích 4.700 ha “tương đương với Long Thành), thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hoá thì vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ USD; sân bay Istalbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu.


Sáng nay, 12-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan liên quan đã chuyển đến Quốc hội báo cáo khả thi giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cũng như nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra mà Uỷ ban Kinh tế trình Quốc hội. 

Trong đó ông quan tâm nhận định cho rằng, hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ được một số nội dung theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội, công nghệ chính, quản lý vận hành khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách...

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành

Về tiến độ thực hiện dự án, ông cho rằng đến thời điểm này hồ sơ báo cáo chậm, nhất là tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện rất chậm. Do đó, mục tiêu đến năm 2020 bàn giao đất sạch khá là khó khăn.

Về bối cảnh tình hình, hiện đã có nhiều thay đổi so với báo cáo tiền khả thi đã trình Quốc hội khoá XIII. “Như sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển hàng không trong nước, nhất là các hãng hàng không giá rẻ; việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất lên công suất 50 triệu lượt khách/năm và song song với việc sử dụng hai sân bay trong cùng một khu vực trong thời gian sắp tới...” – đại biểu lấy ví dụ, khẳng định các yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến việc tăng trưởng hành khách, là những vấn đề mà báo cáo khả thi cần đè cập, phân tích rõ.

Về nguồn vốn và khả năng huy động vốn, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành cơ bản nhất trí với phương án mà báo cáo đề cập là sử dụng vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước kết hợp nguồn xã hội hoá dưới hình thức công-tư. Tuy nhiên ông đề nghị báo cáo cần chỉ rõ hơn về khả năng huy động vốn đối với các tổ chức đã cam kết hoặc thoả thuận, tác động của việc huy động vốn này đến các hoạt động cho vay khác để phát triển kinh tế, cũng như tác động đến trần nợ cộng đối với các khoản vay...

“Trang 7 của Tờ trình về dự án nói rằng AVC có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 8/21 càng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi. Đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV”, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn lo ngại.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành trong báo cáo xác định là 16 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 xác định là 4,79 tỷ USD. 

Theo ông, việc chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu, với số vốn dự kiến giai đoạn 1 gần 5 tỷ USD thì có thể huy động, nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo thì khả năng sẽ thế nào, đề nghị việc huy động dự kiến cần được nói rõ hơn. Và nếu không thu xếp được vốn thì đồng nghĩa với việc thực hiện dự án sẽ bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Mặt khác, đại biểu so sánh tổng mức đầu tư Dự án này với hai công trình sân bay hiện đại nhất thế giới, mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc), diện tích 4.700 ha (tương đương với Long Thành), thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hoá thì vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ USD; sân bay Istalbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD.

“Trong khi Long Thành thiết kế chỉ 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hoá mà vốn đầu tư là 16 tỷ USD, rõ ràng rất cần được xem xét, so sánh”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành băn khoăn.

Về hiệu quả tài chính, báo cáo xác định tỷ suất nội hoàn tài chính của dự án ước là 11,2%; tỷ suất lợi nhuận là 1,11%; thời gian hoàn vốn là 12 năm 11 tháng. “Tôi cho rằng đây là con số khả quan trong một dự án đầu tư lớn, nhưng liệu các con số trên đã được tính toán dựa trên những con số đầy đủ chưa, đặc biệt là so sánh với tổng mức đầu tư với 2 sân bay quốc tế trên”, ông nêu quan điểm.

Cũng băn khoăn về việc lựa chọn ACV làm chủ đầu tư, ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, giao cho, ACV chưa chắc đã là phương án tốt nhất, dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục phức tạp hơn nhiều, nếu xảy ra rủi ro nhà nước vẫn phải gánh chịu vì đây là doanh nghiệp nhà nước. “Cũng phải rút kinh nghiệm từ “12 đại dự án”, nếu tiếp tục cơ chế đó thì lịch sử có lặp lại ko?”, đại biểu lưu ý.

Ông đề nghị nhà nước chỉ cần thuê tư vấn tốt nhất, từ phương án thiết kế đến tổng mức đầu tư, cơ chế vận hành dự án... đó là “đầu bài” để huy động nhà đầu tư tham gia. “Chính phủ nên kêu gọi tập đoàn tư nhân vào tham gia, lấy ACV là hạt nhân. Mô hình tổ hợp như thế sẽ phát huy được sức mạnh của tập đoàn tư nhân”, ông đề nghị và lấy dẫn chứng Nhật Bản trước khi triển khai dự án người ta chọn nhà đầu tư rất kỹ, cũng không nên lo sợ nhà đầu tư tư nhân nhận phần lợi, nhà nước nhận phần khó khăn. Nếu tư nhân có thể làm được thì hãy giao cho tư nhân.

“ACV là công ty cổ phần có 95% vốn của nhà nước. Do đó bây giờ vay 2,8 tỷ USD, trong quá trình triển khai có vấn đề thì có ảnh hưởng đến 95% phần vốn nhà nước đó không, có làm tăng nợ công không? Trách nhiệm của việc đi vay này như thế nào? Hay là chỉ căn cứ vào nghị quyết và báo cáo này thì dự án đã được thông qua?” – ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cùng chung lo lắng.

Ông cũng cho rằng thời gian xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi này rất vội, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ hơn.


Quỳnh Vinh
.
.
.