Quốc hội tranh luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi
- Thêm tội kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự liệu có thành nơi "trốn tội"?
- Một số vấn đề đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015
- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015
- Hội thảo góp ý kiến Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi
- Hơn 90% đại biểu đồng ý chưa thông qua Bộ Luật Hình sự
Đa số đại biểu đồng ý mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự
Xung quanh vấn đề trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi có nên bị xử lý hình sự với hành vi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng liên quan đến 3 loại tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) hay không, văn bản giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra 2 phương án để ĐBQH chọn lựa.
Theo đó, đa số ý kiến ĐB đề nghị không sửa khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp trên, vì tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự 2015 |
Tuy nhiên, một số ý kiến lại tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.
Kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2 cho thấy: Có 266/397 ĐBQH tán thành quy định này của BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn ĐBQH về dự án Luật (trong đó có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này) lại cho kết quả ngược lại: 26/41 đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 đoàn đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa 2 phương án để ĐB lựa chọn.
Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng không nên vì 1 vụ án mà thay đổi cả 1 chính sách hình sự về trẻ em đã giữ lâu dài. Trẻ em phạm tội chủ yếu do bị kích động, lôi kéo, không làm chủ được bản thân, nên ưu tiên xử lý bằng các hình thức khác để đảm bảo tính nhân văn. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh).
Để chứng minh, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu thực tiễn (do viện kiểm sát cung cấp): Trong 3 năm 2014 – 2016, cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là thực tế có rất ít em phạm các tội này. Đại biểu cho rằng người chưa thành niên phạm tội gây bức xúc trong thời gian qua không nằm trong nhóm này mà nằm ở lứa tuổi từ 16 đến dưới 18, ví dụ vụ Lê Văn Luyện.
“Đứng trước trẻ em phạm tội, vấn đề không chỉ là xem xét trách nhiệm của các em, mà trách nhiệm của toàn xã hội. Quy định như Bộ luật Hình sự 2015 là rất nặng với trẻ em và không còn sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Xử lý người vị thành niên không nên bằng thái độ quá nóng, mà chúng ta phải tự hỏi trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội đến đâu khi xử lý các em” – đại biểu nhấn mạnh. Tuy vậy đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng thống nhất quan điểm đây là vấn đề đã được Quốc hội khóa 13 thông qua nên “chỉ sửa nếu đưa ra được căn cứ thật xác đáng”.
Thế nào là lợi ích tốt nhất cho trẻ em?
Ngược lại, ĐB Nguyễn Thị Phúc cho rằng, đã có 266/397 (67%) ĐB tán thành trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi ngoài tội nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm với cả tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng với 3 loại tội danh nêu trên, nên cần ghi nhận ý kiến của ĐBQH. Mặt khác, việc trẻ hóa tội phạm đang khiến nhân dân rất bức xúc, bất ổn xã hội. Người xưa thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đại biểu cho rằng khoan hồng với trẻ em phạm tội chưa chắc đã là cách giáo dục tốt.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh: Đây là vấn đề Quốc hội 13 đã thảo luận và thông qua; Quốc hội 14 cũng đã lấy ý kiến ĐB với tỷ lệ tán thành tỷ lệ 67%. Trên thực tế, tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với các hành vi tàn bạo, phi nhân tính; đặc biệt tội hiếp dâm, bắt cóc tống tiền gia tăng nghiêm trọng, cần có hình phạt mang tính cảnh báo răn đe. Cùng với đó, trẻ em bị kẻ xấu lợi dụng trong kích động bạo loạn cũng đã xuất hiện.
Các đại biểu quốc hội còn rất nhiều ý kiến khác nhau |
Có quan điểm khác biệt, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) lại chưa nhất trí với cả 2 quan điểm: “Phương án 1 mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em là chưa phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước ta. Phương án 2 phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, nhưng chưa lý giải được tại sao chọn tội này lại không chọn tội khác: như phải chịu trách nhiệm về tội khủng bố, nhưng tội khủng bố để chống chính quyền nhân dân lại không”.