Quốc hội ghi nhận nỗ lực của lực lượng Công an trong giữ vững an ninh, phòng chống tội phạm

Chủ Nhật, 01/11/2015, 21:38
Một trong những nội dung trọng tâm của nghị trường Quốc hội tuần qua là các đại biểu nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, TAND tối cao; các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thi hành án năm 2015.

Quốc hội cũng đã thảo luận dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và theo chương trình tuần này, dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận. Đây là những dự án luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thảo luận tại hội trường về báo cáo của Chính phủ do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, các đại biểu khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó dự báo, vấn đề chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá…, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng,  nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2015, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được nâng lên. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và kết hợp tốt hơn giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Thủ tướng nhấn mạnh, nn ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đã đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường phòng, chống tội phạm và xử lý kịp thời các vụ án đặc biệt nghiêm trọng…

Ý kiến của của nhiều đại biểu cũng khẳng định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực khắc phục sơ hở, thiếu sót trong hoạch định, thực thi pháp luật để kiềm chế gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm (báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội cho biết, năm 2015, với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an phát huy vai trò nòng cốt, hoạt động của các loại tội phạm được kéo giảm, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Triệt phá 4.452 băng, ổ nhóm tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt 78,25%, tăng 0,95%, trong đó tỷ lệ điều tra án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,08%...).

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, nhìn lại kết quả các mặt công tác từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tới nay cho thấy, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là năm 2015 đã kiềm chế, giảm nhiều loại tội phạm. Hầu hết chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra đều đạt và vượt.

“Những kết quả đó  góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tư, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước” – Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với những đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, năm 2015 có nhiều sự kiện quan trọng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, bảo đảm an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, triển khai nhiều chính sách, biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội...

“Nhìn chung, các biện pháp được triển khai đã tạo bước chuyển tích cực, kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm trên nhiều lĩnh vực như: giảm vi phạm trật tự an toàn giao thông cả ba tiêu chí; các tội phạm về cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đều giảm” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện đánh giá.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Tôi đánh giá rất cao báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Báo cáo đánh giá rất khách quan. Lực lượng Công an đã thực hiện rất nhiều việc để giữ vững an ninh, trật tự, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, yêu mến và giúp đỡ, xứng đáng công cụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Ông cho rằng, kỳ vừa rồi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công an đã có các giải pháp tích cực, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác bắt, giam giữ, xử lý nghiêm minh những cán bộ, chiến sĩ có sai phạm. “Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức tích cực của Bộ Công an và kết quả đã được đồng chí Bộ trưởng nêu rõ trong báo cáo trình Quốc hội” – đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định.

Nhìn nhận ở góc độ đảm bảo an ninh kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, lực lượng Công an đã thể hiện kết quả nổi bật trong khám phá, điều tra những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, đồng thời tích cực tham mưu giúp Đảng, Nhà nước giữ vững an ninh kinh tế, phục vụ đắc lực yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Ông cũng cho rằng, cơ quan điều tra trong CAND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đây là vấn đề quan trọng bởi chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xác định, cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội thì cần đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, giảm thiểu thất thoát.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng như nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường cũng chỉ ra những diễn biến phức tạp trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đồng thời nêu ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Cùng những hoạt động tại nghị trường, nhằm giúp cơ quan chức năng có thêm cơ sở xem xét, chỉnh lý các dự thảo luật đảm bảo khoa học, Bộ Công an cũng đã tổ chức một số hoạt động quan trọng như hội thảo, tọa đàm đóng góp ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Công an diễn tập phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin.

Tại hội thảo đóng góp ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), các đại biểu khẳng định, về cơ bản, dự thảo Bộ luật đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp 2013; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Các quy định của dự thảo Bộ luật hướng tới tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với công dân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; xác định rõ hơn trách nhiệm của từng chức danh tố tụng…

Hội thảo nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, còn một số nội dung, nhất là các nội dung liên quan đến điều tra cần thảo luận rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn, góp phần chỉnh lý dự thảo Bộ luật cho phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để điều tra, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao như: việc quy định quyền của người bào chữa tham gia tố tụng; thời hạn tạm giam; việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can; vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự; về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt… Cùng với đó là các ý kiến đóng góp về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) và những dự án luật khác có liên quan.

Những nội dung liên quan trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận vào cuối tuần này.

Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định

“Năm 2015, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được nâng lên. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và kết hợp tốt hơn giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn”.

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)


Tăng cường nhiều chính sách, biện pháp phòng ngừa tội phạm

“Năm 2015 có nhiều sự kiện quan trọng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, bảo đảm an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, triển khai nhiều chính sách, biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội”.

(Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện)


Phục vụ đắc lực yêu cầu hội nhập và phát triển

“Lực lượng Công an đã thể hiện kết quả nổi bật trong khám phá, điều tra những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, đồng thời tích cực tham mưu giúp Đảng, Nhà nước giữ vững an ninh kinh tế, phục vụ đắc lực yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Cơ quan điều tra trong CAND cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đây là vấn đề quan trọng bởi chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xác định, cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội thì cần đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, giảm thiểu thất thoát”.

(Tiến sĩ Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn Báo CAND)

Đăng Trường
.
.
.