Những kết quả quan trọng của Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần 2

Thứ Năm, 18/05/2017, 19:27
Trưa 18-5, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã kết thúc tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả khả quan. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả Hội nghị.
Các đại biểu trong cuộc họp báo

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực có dấu hiệu khởi sắc hơn.  Cơ quan nghiên cứu chính sách của BTK APEC (PSU) dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2017 có thể cao hơn mức trung bình thế giới (3,8% so với 3,5%). Trong APEC, các thành viên tích cực triển khai các ưu tiên  dưới chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong khuôn khổ SOM 2, APEC đã xác định các biện pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, kỹ năng, đào tạo, tái đào tạo cho người lao động trong kỷ nguyên số. Đây là một trong những kết quả quan trọng đầu tiên ở cấp Bộ trưởng của năm APEC Việt Nam 2017.

Đồng thời, ông cũng thông qua các nội dung quan trọng đã được nhất trí bởi các quan chức cấp cao tham gia Hội nghị lần này. Theo đó, các thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là cái nôi (incubator) của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên

Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. 

Hội nghị cũng hoan nghênh Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực diễn ra ngày 15-5 đã thông qua Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. 

Trong hai ngày diễn ra SOM 2, các quan chức cao cấp cũng đã nghe báo cáo tóm tắt về kết quả Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, là sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức với Ban Thư ký APEC quốc tế và Hội đồng PECC. 

Kết quả của Đối thoại cùng các khuyến nghị của PECC là cơ sở để các quan chức cao cấp thảo luận các bước chuẩn bị cho việc hình thành tầm nhìn cho APEC hướng tới năm 2020 và những năm sau đó. Vấn đề này sẽ tiếp tục được báo cáo lên các Bộ trưởng phụ trách thương mại của APEC cho ý kiến vào ngày 20-21/5 tới.

Một nội dung mới được thảo luận tại Hội nghị lần này là đề xuất về thúc đẩy phát triển bao trùm trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội nhằm góp phần triển khai Tuyên bố của các Lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao Lima, Peru năm 2016 và các kế hoạch dài hạn của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho kinh doanh….

Đại biểu giải đáp nhiều thắc mắc của phóng viên 

Sáng kiến này của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều thành viên do đáp ứng kịp thời quan tâm của nhiều thành viên về bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng một cách đồng đều các lợi ích của tăng trưởng và liên kết kinh tế trong bối cảnh bất bình đẳng, khoảng cách phát triển, khoảng cách số có xu hướng gia tăng. 

Sáng kiến một lần nữa thể hiện tính thiết thực của hợp tác APEC, nguyện vọng chung của các thành viên hướng tới hình thành một cộng đồng APEC phát triển bền vững và bao trùm.

Cuối cùng, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận công tác chuẩn bị, cả về tổ chức và nội dung, cho các hoạt động lớn cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, cũng trong dịp này, nhiều sáng kiến và hoạt động nâng cao năng lực đã được các thành viên triển khai trên các lĩnh vực đô thị hóa, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, tăng cường tham gia của phụ nữ vào một số ngành nghề, an toàn thực phẩm…

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.