Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ phục vụ cho... bằng cấp, chứng chỉ
- Học sinh lo lắng nạn chảy máu chất xám, nghiên cứu khoa học bị “bỏ rơi”
- Nghiên cứu khoa học không thể theo kiểu 'tiền ít còn dàn trải'
- Nâng chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội lên một tầm cao mới
- Khắc phục việc ‘đề tài cất ngăn kéo', 'đào tạo chưa gắn với việc làm’
Chiều nay, 4-10, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, báo cáo phải rút ra được cái gì để cảnh báo cho các cơ quan của Chính phủ nhập khẩu khoa học công nghệ (KHCN) tốt hơn, chỉ đạo ứng dụng KHCN thiết thực hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ góp ý vào báo cáo giám sát |
“Ngay chuyện khảo sát thực thi pháp luật về KHCN để ứng dụng, phát triển, nhưng hiện tượng Formosa, rồi hậu Formosa thế nào? Nhiều câu hỏi đặt ra mà nhân dân rất bức xúc nhưng khoa học khó trả lời. Tôi cho rằng cần phải tính toán”, ông đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lại đề nghị Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bổ sung thông tin hiện có bao nhiêu đề tài KHCN được phê duyệt và bao nhiêu đề tài phục vụ thực tiễn. “Có tình trạng mỗi năm phê duyệt bao nhiêu đề tài, sau đó báo cáo, rồi nghiệm thu, nhưng rồi để đó. Cần phải xem lại cơ chế, cũng như đánh giá hiệu quả của các đề tài đã giao cho các bộ ngành, địa phương đến đâu, ảnh hưởng như thế nào đến ngân sách?”, ông đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có cơ chế khoán, cũng như Viettel, tôi giao sản phẩm cho anh, nếu anh làm ra sản phẩm thì nhà nước sẽ mua cho anh và anh còn đi bán nữa, thì sẽ kích thích sự sáng tạo và anh còn tự nuôi được mình. Tự anh tận dụng được sản phẩm KHCN anh làm ra nữa. Ông cũng lưu ý, cần phải gắn KHCN với Quốc phòng - An ninh, vì đây là vấn đề có tính chiến lược của quốc gia.
Cho ý kiến về báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị đánh giá sâu thêm về thực trạng nghiên cứu khoa học đã tập trung phục vụ cho phát triển công nghệ và đã gắn với phát triển công nghệ hay chưa? Mặc dù chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu nhưng vấn đề là sử dụng chưa hiệu quả, còn dàn trải.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thảo luận tại phiên họp |
“Nhiều đề tài đăng ký được, gần như đăng ký xong không mất thời gian đã được duyệt nghiên cứu nhưng sau đó để đấy. Có tình trạng nhiều nghiên cứu khoa học chỉ phục vụ cho bằng cấp, chứng chỉ…”, đại biểu nêu.
Đồng tình quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nhiều đề tài nghiên cứu xong cho vào tủ, không áp dụng được. Nhất là những đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, cách chi tiền vừa khó khăn trong thanh toán, vừa lãng phí. Bà đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về việc này, trong đó có sự đánh giá của Kiểm toán liên quan đến vấn đề kinh phí.
“Thời gian vừa qua dư luận cũng rộ lên việc dùng kinh phí nghiên cứu khoa học để đi tham quan, học tập ở nước ngoài. Cần đánh giá hiệu quả của việc này như thế nào”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói.