Khắc phục việc ‘đề tài cất ngăn kéo', 'đào tạo chưa gắn với việc làm’

Thứ Bảy, 13/06/2015, 01:19
Ngày 12/6, Quốc hội đã dành cả ngày để chất vấn 2 Bộ trưởng phụ trách 2 lĩnh vực “quốc sách” của đất nước là giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ. Khoa học – công nghệ thiếu nhất là khả năng ứng dụng. Đào tạo thiếu nhất là “kỹ năng tạo việc làm”. Cả hai quốc sách hàng đầu đều chưa thu hút được người tài là những vấn đề lớn nhất nổi lên trong buổi chất vấn này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân: “7 năm trước năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/30 Singapore, nay đã bằng... 1/14”

Là Bộ trưởng duy nhất “xin” được trả lời chất vấn từ kỳ trước, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân đã đăng đàn sáng 12/6, đúng như nguyện vọng. Lãng phí trong đầu tư khoa học công nghệ (KHCN); đề tài khoa học nhiều nhưng ứng dụng ít; thiếu minh bạch trong ngân sách đầu tư cho KHCN… là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thẳng thắn: “Mỗi năm Ngân sách Nhà nước chi 1.300 tỷ cho nghiên cứu khoa học, nhưng tình trạng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo rất phổ biến, tỷ lệ kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế thấp, gây ra sự lãng phí lớn. Cử tri đặt câu hỏi có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? có phải do đầu tư dàn trải, không tập trung, đầu tư không đúng chỗ, đúng người, đúng việc? có hay không cơ chế xin, cho?”.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã “đính chính”, hằng năm Ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học là khoảng 3.000 tỷ đồng. Về thuật ngữ “đề tài xếp ngăn kéo”, Bộ trưởng giải thích rằng có 3 loại. Trước hết là loại đề tài nghiên cứu cơ bản, nó đi trước thời đại nên phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được.                   

“Chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 nhưng phải nằm ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới trở thành sản phẩm hàng hóa, và ngày nay mỗi năm đóng góp cho thế giới hơn 20.000 tỷ USD” – Bộ trưởng lấy ví dụ. Loại thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng mà muốn để nó trở thành hàng hoá thì phải có nguồn đầu tư từ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thừa nhận có một bộ phận đề tài phải xếp ngăn kéo vì chỉ nghiên cứu theo sở thích, ý thích của nhà khoa học, không xuất phát từ thực tiễn sản xuất và kinh doanh nên không ứng dụng được.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân viện dẫn Luật KHCN năm 2013, trong đó quy định từ nay trở đi những nhiệm vụ sử dụng Ngân sách Nhà nước phải là những nhiệm vụ đặt hàng, có nghĩa là phải xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, từ cuộc sống.

Trong Nghị định 08 năm 2014 cũng quy định cơ chế đặt hàng, theo đó mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng của mình nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định có phù hợp hay không, sau đó mới đề xuất đặt hàng với cơ quan quản lý KHCN.

Cho rằng lãng phí trong nghiên cứu khoa học là vô cùng lớn trong khi kết quả mang lại không tương xứng với kinh phí bỏ ra, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lấy ví dụ: “Mỗi một bộ một năm có đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ bỏ ra để nghiên cứu khoa học nhưng cứ bảo vệ, in ấn rất đẹp, sau đó xếp lên giàn mà rất ít ứng dụng. Có nhiều người còn nói với tôi, nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền khá dễ dàng. Về giải pháp, Bộ trưởng có nói thực hiện theo Luật KHCN năm 2013 sẽ tránh được việc này, nhưng vấn đề là quy trình xét duyệt như thế nào để tránh lãng phí?”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân tiếp tục khẳng định Luật KHCN 2013 đặt ra cơ chế đặt hàng sẽ hạn chế rất nhiều những đề tài không có địa chỉ ứng dụng. Quy trình xét duyệt cũng rất chặt chẽ, hội đồng xét duyệt là những chuyên gia hoàn toàn mang yếu tố khách quan, không có chuyện quanh đi, quẩn lại chỉ có mấy nhà khoa học quen biết. Đối với các đề tài không hoàn thành hoặc vi phạm, cá nhân thực hiện có thể vĩnh viễn không được tham gia nghiên cứu hoặc treo bút từ 3-5 năm.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “Đại biểu chỉ hỏi có lãng phí không. Rõ ràng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo là lãng phí rồi, đề tài làm ra nhưng không sử dụng, hiệu quả không cao là lãng phí rồi, Bộ trưởng phải tìm biện pháp khắc phục”.

Cũng liên quan đến vấn đề lãng phí trong nghiên cứu khoa học, dẫn đến tình trạng nhiều công trình xếp ngăn kéo, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nhiều công trình khoa học công sức lớn nhất chỉ là chuyển giấy trắng thành giấy lộn.

“Phải chăng là trên thực tế quản lý của ta còn tình trạng lạm dụng những khái niệm khoa học để những công trình không có khoa học mà tiêu tốn tiền như đại biểu Cương nói. Có hay không tình trạng này và tỷ lệ bao nhiêu, xin Bộ trưởng làm rõ” – ông đề nghị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân quả quyết, với hơn 50 Thông tư, văn bản mà Bộ KHCN mới ban hành đã thay đổi toàn bộ cơ chế nghiên cứu khoa học, sẽ thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để các nhà khoa học không quá vất vả về việc lập hồ sơ, thanh toán, hợp thức hóa giấy tờ, tránh tình trạng lạm dụng...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Trong cái thiếu thì thiếu nhất là kỹ năng... tạo việc làm”

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận, vấn đề được các đại biểu băn khoăn nhiều nhất vẫn xoay quanh những chính sách mới về cải cách giáo dục đang được áp dụng hiện nay như một kỳ thi quốc gia, triển khai biên soạn bộ sách giáo khoa mới và việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Đại biểu Trinh Ngọc Thạch (Hà Nội) bày tỏ lo lắng của thí sinh là khả năng đỗ tốt nghiệp sẽ thấp khi các cơ sở giáo dục đại học sẽ đứng ra chủ trì, không còn là 98 – 99% đỗ tốt nghiệp như trước nữa. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định “việc chấm và coi thi đều có quy chế. Chúng tôi đang tính có “barem” điểm rõ ràng làm sao cho các cháu thi cử một cách nghiêm túc. Thi cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, không để hiện tượng tiêu cực, không trung thực trong thi cử phá hoại thành quả cả quá trình giáo dục”.

Bộ trưởng cũng khẳng định “đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì phải là phần lớn các cháu. Kỳ thi này không nhằm tạo ra cú sốc mà tạo biến chuyển từ từ về chất lượng cho tốt hơn. Các cháu cứ yên tâm ôn tập, làm bài cố gắng nhất”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Trước lo lắng của các đại biểu khi học sinh phải khăn gói đến các cụm thi để thi tốt nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng kỳ thi này thuận lợi hơn cho học sinh vì phải di chuyển ít lần hơn, khoảng cách ngắn hơn và phải thi có 1 lần.

“Với các cháu chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp thì đều thi tại huyện, cơ bản không có gì khó khăn hơn trước đây. Với các cháu có nguyện vọng vào đại học, trước đây phải về các thành phố lớn có trường đại học hoặc 4 cụm thi Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng nay bố trí thành 38 cụm, khoảng cách di chuyển gần hơn”.

“Tóm lại, đổi mới kỳ thi lần này chúng tôi quán triệt các thầy cô giáo, các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục nhận khó khăn về phía mình, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Số bài thi giảm đi, số lần đi giảm, khoảng cách đi giảm. Có kết quả rồi các cháu có thể cân nhắc khả năng để ứng tuyển vào các trường vừa sức, tránh được “oan ức” điểm cao nhưng vẫn trượt đại học vì đăng ký trường quá sức mình” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Dù không phủ nhận điều này có thể gây nên tình trạng thí sinh ảo, nhưng Bộ trưởng Luận cho biết các trường sẽ chấp nhận khó khăn này.

Bao giờ mới có lại thế hệ “3 con 9”?

Bên cạnh những cái “mới” được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn và vẫn đang phải đợi thời gian trả lời như việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, triển khai biên soạn bộ sách giáo khoa mới, thì những việc rất “cũ” lại đang là vấn đề nan giải hơn.

Đại biểu Phạm Thị Chung nêu thực tế là ngành giáo dục – đào tạo nhiều năm nay đã không thu hút được người giỏi nữa. Đây cũng là thực tế mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải thừa nhận. Hồi tưởng 15 năm trước đây, với cơ chế miễn, giảm học phí, ngành sư phạm đã từng “thu hút được một thế hệ rất ưu tú mà chúng tôi gọi là thế hệ 3 con 9 – tức là 27 điểm mới đỗ vào Đại học Sư phạm. Sau này đời sống tăng lên, chính sách này đã hết tác dụng thu hút người giỏi, cộng với chính sách cho vay vốn đi học, miễn giảm học phí, cấp học bổng... các cháu có điều kiện tính toán, lựa chọn hơn. Vị trí việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp mới là yếu tố quyết định” – Bộ trưởng Luận cho biết.

Vậy phải có giải pháp nào cho tình trạng này? Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo cho biết “có đề nghị Quốc hội quan tâm để hỗ trợ triển khai quyết định chiến lược đã được ghi trong Nghị quyết 29 là chế độ tiền lương được ưu đãi mức cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, cùng phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên. Nếu có, thì các cháu chuẩn bị lựa chọn nghề nghiệp cũng có thêm sức hút”.

Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, các đại biểu vẫn phải chất vấn Bộ trưởng về mức lương “bèo bọt” mà giáo viên mầm non và các giáo viên hợp đồng được nhận, còn xa mới đạt đến mức đủ sống.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đây là vấn đề có tính lịch sử, và Thủ tướng đã có quyết định giải quyết mức lương bảo hiểm cho các cô giáo ở mức ngang bằng mức lương tối thiểu và có chính sách phụ cấp cho cô giáo mầm non. “Còn giải pháp căn cơ thì phải chờ hệ thống thang bảng lương mới”.

Một vấn đề khác mãi vẫn chưa có lời giải, chính là tình trạng thất nghiệp của các sinh viên đại học, cao đẳng... đã qua đào tạo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải có 2 lý do. Thứ nhất là về chất lượng đào tạo. Thứ 2 là trong giáo dục nhà trường mới chú trọng truyền thụ, trang bị kiến thức, mà chưa chú ý rèn luyện kỹ năng và phẩm chất.

“Trong các kỹ năng các cháu thiếu thì rõ nhất là kỹ năng tạo việc làm. Chúng ta vẫn quan điểm là ra trường đi “xin việc”, chứ chưa trang bị kỹ năng cho các cháu tạo việc làm cho mình và cho người khác”.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Trong trả lời chất vấn, các Bộ trưởng cần có sự phối hợp với nhau

Để chất lượng chất vấn đạt kết quả cao hơn, theo tôi từng thành viên Bộ trưởng cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa với các bộ, ngành liên quan, ví dụ vấn đề giải quyết chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản thì không thể một mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm được, mà phải liên quan đến những bộ, ngành khác, kể cả trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Đối với Bộ Công thương, tôi thấy những vấn đề đưa ra chỉ mới dừng ở bước văn bản chỉ đạo, văn bản điều hành, còn việc kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện cho nó tốt theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn và trả lời chất vấn thì cần phải quan tâm hơn. Ví dụ việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mảng bảo vệ môi trường rừng, làm thuỷ điện, đến giờ phút này tôi thấy có trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên & Môi trường nhưng những vấn đề mà cử tri quan tâm, băn khoăn thì vẫn chưa giải đáp được…

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Cơ bản các Bộ trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ

Đến thời điểm này đã có 3 Bộ trưởng thực hiện xong việc đăng đàn, tôi đồng ý với cách thức điều hành của Chủ tịch Quốc hội là sau khi kết thúc phần trả lời của mỗi Bộ trưởng có sự kết luận, đánh giá, rút ra từng việc để giao trách nhiệm cho từng Bộ trưởng, để làm cho Bộ trưởng nhớ lời hứa của mình. Vì các phiên chất vấn này tường thuật trực tiếp, giúp bà con cả nước theo dõi, nắm được và tiếp tục giám sát…

Về nội dung, tôi cũng hoan nghênh tinh thần và thái độ thẳng thắn của các vị Bộ trưởng, chẳng hạn Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời sâu và nhiều thông tin hơn cả, riêng Bộ trưởng Nguyễn Quân qua 8 kỳ chất vấn mới được trả lời nhưng cũng nắm khá kỹ vấn đề, hiểu rõ những khó khăn vướng mắc của các nhà khoa học và giúp họ tháo gỡ khó khăn. Cơ bản các Bộ trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Vũ Hân – Quỳnh Vinh
.
.
.