Nâng cao trách nhiệm của người bảo vệ bí mật nhà nước

Thứ Tư, 25/10/2017, 16:48

Chiều 25-10, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng.



Nâng cao trách nhiệm của người bảo vệ bí mật nhà nước

Tờ trình dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày nêu rõ, việc xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật. 

Luật còn thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với điều kiện, yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay.

Dự thảo Luật được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 39 điều.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ những điểm mới của dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Trong có, bổ sung tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.

Thu hẹp chủ thể có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nướctheo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đối với cả 3 cấp độ mật để bảo đảm sự tập trung, thống nhất về chủ thể ban hành danh mục bí mật nhà nước; kịp thời, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Điểm mới nữa đó là Dự thảo quy định Trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp trung ương không phải lập danh mục bí mật nhà nước.

Trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước có 8 nội dung mới, quy định cụ thể trách nhiệm nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản, hạn chế lộ, mất bí mật nhà nước. Thống nhất và mở rộng thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước; bổ sung đối tượng được phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước nhằm khắc phục hạn chế về thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tiếp cận bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác.

Việc mang bí mật nhà nước đi công tác trong nước và nước ngoài phải xuất trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; làm rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành đặc thù, như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ Bí mật nhà nước

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh  (UBQPAN) của Quốc hội  do ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm trình bày nêu rõ UBQPAN tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. 

Đồng thời nhấn mạnh hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày càng cao. Mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng nêu rõ đa số ý kiến nhận thấy, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; dự thảo Luật có nhiều nội dung kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng nêu các ý kiến góp ý, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung điều luật cho cụ thể, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.

Phương Thủy
.
.
.