Kỷ niệm 30 năm UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 24/11/2017, 17:21
Nghị quyết là sự ghi nhận của thế giới, của Liên Hợp Quốc đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất.


Sáng ngày 24-11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đồng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 tại Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24, năm 1987 tại Pháp. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: VGP

Nghị quyết khuyến nghị các nước thành viên tiến hành các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất” nhằm “làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời thông qua việc kỷ niệm này “trên phạm vi quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới.”

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quyết định đó của UNESCO có giá trị lớn lao, là sự ghi nhận của thế giới, của Liên Hợp Quốc - tổ chức quốc tế toàn cầu lớn nhất - đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất, đồng thời coi đó là nguồn cổ vũ lớn lao, là biểu hiện của tình cảm bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng phấn đấu vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Với khát vọng ‘không có gì quý hơn độc lập, tự do’, bằng những cống hiến về tư tưởng cũng như về thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới…và đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc và đồng thời là hiện thân sinh động về sự bình đẳng ấy.” 

Đối với đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nhân loại trong lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh “là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới, giúp cho mọi người Việt Nam ai cũng được học hành, từng bước nâng cao trình độ văn hóa của cả dân tộc. Sự nghiệp đó gắn liền với sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn hướng về con người, hướng về dân tộc, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.” 

Trong khuôn khổ các hoạt động, các đại biểu đã tham gia Tọa đàm quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới”. Các tham luận góp phần tiếp tục nêu rõ hơn về con người và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như vai trò và đóng góp của Người đối với tiến trình phát triển của nhân loại. 

Tiên An
.
.
.