Kiểm tra các nhà máy thủy điện về an toàn hồ đập trong mùa mưa bão

Thứ Sáu, 14/10/2016, 08:58
Theo thống kê, quy hoạch thủy điện khu vực đầu nguồn sông Vu Gia và sông Thu Bồn (Quảng Nam) có 42 dự án đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.600MW.

Trong đó, có 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương phê duyệt (7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng) và 32 dự án thủy điện nhỏ và vừa do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Đến nay, Quảng Nam có 18 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành được phê duyệt (Bộ Công Thương phê duyệt 14 hồ chứa, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt 4 hồ chứa)…

Việc kiểm soát chặt chẽ các thủy điện xả lũ sẽ giảm được thiệt hại cho vùng hạ du.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, cho biết, để kiểm tra công tác phòng chống lụt bão (PCLB) và quản lý an toàn hồ đập các nhà máy thủy điện (NMTĐ) trên địa bàn tỉnh năm 2016, vừa qua đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 NMTĐ. 

Kết quả kiểm tra cho thấy 12/12 thủy điện đều đã có phương án PCLB, đảm bảo an toàn đập. Tuy nhiên, chỉ có 8/12 thủy điện có phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập năm 2016 được duyệt; 3/12 thủy điện gồm Đăk Mi 4, Đăk Mi 4C và Sông Bung 4A chỉ mới đang xây dựng hoặc đang trình duyệt phương án phòng chống lũ lụt, trong khi theo quy định, các đơn vị phải hoàn thành phương án này trước ngày 15-6 hằng năm.

Đặc biệt, thủy điện An Điềm 2 chưa thực hiện phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ, các NMTĐ phải có trách nhiệm tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát xả tràn, truyền hình ảnh về các đơn vị liên quan. 

Thế nhưng đến nay, chỉ có các NMTĐ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4 thực hiện và gửi thông tin truyền tín hiệu hình ảnh về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam; các NMTĐ Sông Bung 4A, Sông Bung 5 chưa gửi thông tin truyền tín hiệu hình ảnh. 

Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, cho biết thêm: Hiện nay một số đập thủy điện được xây dựng trên cùng một hệ thống sông và cùng điều tiết nước về hạ du. 

Do đó khi xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du của từng thủy điện theo đúng quy định tại Công văn số 7277/BCT-ATMT ngày 8-8-2011 của Bộ Công Thương là không phù hợp trong tình huống tất cả các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ. 

Vì vậy, để việc thực hiện công tác quản lý an toàn đập, vận hành, điều tiết các hồ thủy điện ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần giảm lũ cho vùng hạ du, các đơn vị quản lý hồ thủy điện cần phối hợp với ngành khí tượng thủy văn xây dựng bổ sung các trạm đo đạc khí tượng, thủy văn trong lưu vực hồ và vùng hạ du để có cơ sở điều tiết lũ phù hợp. 

Đồng thời, chủ các hồ thủy điện cần đầu tư kinh phí, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng bản đồ ngập lụt, tháp báo lũ phục vụ cho công tác chỉ đạo, cảnh báo khi xả lũ thủy điện...

Trong cuộc làm việc với các sở, ngành, địa phương vùng hạ du liên quan và chủ các hồ chứa thủy điện mới đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, miền Trung đã bước vào mùa mưa bão, do đó các đơn vị hữu quan phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị về đảm bảo vận hành, giám sát an toàn hồ chứa. Hiện ở lưu vực của các thủy điện chỉ có 17 trạm đo mưa, trong khi nhu cầu thực tế toàn tỉnh Quảng Nam cần 40 trạm. 

Do đó, ông Thanh lưu ý chủ các hồ chứa thủy điện phải nghiên cứu có phương án xây dựng bổ sung các trạm đo mưa để đảm bảo yêu cầu. Đề nghị các NMTĐ Sông Bung 4A và Sông Bung 5 phải nhanh chóng lắp đặt đường truyền tín hiệu hình ảnh xả lũ về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam.

Ngọc Thi
.
.
.